Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động tổ chức chương trình giáo dục di sản theo chủ đề, qua đó tạo ra hoạt động giáo dục lý thú, sáng tạo, giúp học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, góp phần hoàn thiện kỹ năng quan sát, tìm hiểu sưu tầm, khai quật khảo cổ, bảo tồn di sản. Qua đó, các em học sinh có cơ hội để phát huy tính chủ động, sáng tạo và hiểu biết kỹ hơn về di sản; hình thành ý thức bảo vệ, gìn giữ các giá trị truyền thống mà mình đang được thừa hưởng ở vùng đất Tây Đô.
Đến với chương trình, các học sinh lứa tuổi Tiểu học, Trung học cơ sở được học tập và trải nghiệm một số kỹ năng khai quật khảo cổ như cách thức mở hố khai quật, cách đào khảo cổ, làm quen với các dụng cụ khai quật như cuốc, xẻng, thước, chổi lông, máy ảnh, sổ nhật ký, chỉnh lý đánh số và phân loại hiện vật… Ngoài ra, những trò chơi thú vị với chủ đề “Em là nhà khảo cổ học” giúp các em hiểu được phần nào công việc tìm tòi và bảo quản những giá trị lịch sử – văn hóa của dân tộc. Đây là hoạt động “vừa chơi vừa học”, góp phần định hướng lối sống đẹp, ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa của địa phương, quê hương, đất nước, biết trân trọng và gìn giữ di sản cho mai sau.
Trải qua 12 năm từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới, Thành Nhà Hồ có nhiều thay đổi về diện mạo và phương thức quảng bá, ngày càng gần gũi hơn với cộng đồng và công chúng.