Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang sinh sống chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình. Đến với dân tộc Pà Thẻn là đến với những nét văn hóa đặc sắc và các phong tục truyền thống độc đáo đã tồn tại hàng trăm năm ở miền núi cao của tỉnh Tuyên Quang.
Nơi dừng chân
Cụ Húng Văn Hín, 74 tuổi, là người Pà Thẻn cao tuổi nhất và cũng là người được dân trong thôn Thượng Minh (xã Hồng Quang) kính trọng nhất, kể: Cách đây khoảng hơn 300 năm, người Pà Thẻn sống rải rác ở những ngọn núi đá của các huyện vùng cao tỉnh Hà Giang. Do thời tiết khắc nghiệt, lại không có đất sản xuất, mọi sinh hoạt đều dựa vào thiên nhiên, vì thiếu thức ăn và ốm đau, bệnh tật thường xuyên, nên bộ tộc người Pà Thẻn chỉ còn vài chục người. Họ lại hành hương đi tìm vùng đất mới để sinh sống và duy trì giống nòi của dân tộc mình. Khi đoàn người dừng chân ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hóa (nay là huyện mới Lâm Bình, Tuyên Quang), thấy ở đây khí hậu trong lành, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi và họ biết đây chính là nơi để họ có thể "an cư lạc nghiệp". Người Pà Thẻn đã làm nhà ở ven những con suối, dưới thung lũng và trên triền núi để bắt đầu một cuộc sống mới.
Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở Tuyên Quang. Ảnh: CTV |
Người Pà Thẻn có tục xem đất để ở mỗi khi đặt chân đến vùng đất mới, nếu thấy là "đất lành", họ sẽ làm nhà theo hướng núi (dựa lưng vào núi) để mong được các thần linh phù hộ, che chở.
Ông Hín cho biết: “Tôi là đời con cháu thứ tư của dòng tộc Pà Thẻn, sinh ra và lớn lên ở đất này. Từ ngày về đây sinh sống, người Pà Thẻn chúng tôi đã biết trồng cây lúa nước, không còn đốt nương làm rẫy nữa, trồng cây cây tốt, nuôi vật mau lớn, cuộc sống đã ổn định, ấm no hơn”. Cho đến nay, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang có 136 hộ, 656 nhân khẩu, trong đó người Pà Thẻn đông nhất có gần 400 người, chiếm hơn 60% dân số của thôn.
Độc đáo lễ hội nhảy lửa
Cũng như các dân tộc khác, người Pà Thẻn có những nét văn hóa rất riêng của dân tộc mình, đặc biệt là lễ hội truyền thống như nhảy lửa, cầu mưa, cầu tạnh, cúng cơm mới, cúng thần săn bắn... trong đó, lễ hội nhảy lửa là một phong tục độc đáo trong đời sống tâm linh của dân tộc Pà Thẻn, bởi theo quan niệm của họ, thần lửa là thần linh thiêng nhất, lửa sẽ giúp mang lại cho người dân tộc Pà Thẻn sự ấm áp, cầu thần linh phù hộ cho dân an vật thịnh, xua đuổi tà ma, đẩy lùi bệnh tật và mang sức mạnh phi thường cho người dân Pà Thẻn...
Theo ông Húng Văn Hín, lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, được bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho tới tháng giêng năm sau. Người Pà Thẻn quan niệm xung quanh họ có các vị thần che chở, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm để tồn tại và mưu sinh, trong đó vị thần tối cao là thần lửa và lửa mang lại sự may mắn, ấm no cho họ, vì vậy khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong bản đều có mặt để hò reo, cổ vũ. Cũng theo ông Hín, những lễ vật để cúng trong lễ nhảy lửa rất giản đơn, chỉ cần một bát hương, một con gà luộc, mười chén rượu trắng và những cây củi trên rừng để đốt thành những đống than đỏ hồng. Phần lễ cúng kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, từ cúng thổ công, thổ địa xin phép nhảy lửa cho đến khi khoảng 10 thanh niên khỏe mạnh nhảy vào ngọn lửa đang cháy và đống than hồng với đôi chân trần mà không bị bỏng hay sợ hãi gì.
Ba anh em Phù Văn Thành, Phù Văn Tâm, Phù Văn Sân, những người đã từng tham gia nhảy lửa, cho biết: “Ngày còn nhỏ có được xem lễ hội nhảy lửa, nhưng lâu lắm không tổ chức nữa. Hai năm gần đây, huyện tổ chức khôi phục lại lễ hội nhảy lửa chúng tôi mới được tham gia và thấy rất tuyệt vời”. Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trước sự mai một và dần mất đi những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, tỉnh Tuyên Quang đã có các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, đang dần tạo điều kiện cho các phong tục tập quán mang đậm bản sắc của từng dân tộc được phát huy, trong đó lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn bắt đầu được khôi phục lại từ năm 2009 giúp cho người dân Pà Thẻn nơi đây có cơ hội tham gia và giữ gìn nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc mình.
Nguyễn Thị Thu Hằng