Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Huyên, một người viết bằng tiếng Việt, một người diễn đạt bằng tiếng Pháp, là hai tác giả người Việt đầu tiên đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu mới nhất của cộng đồng khoa học quốc tế đương thời và sử dụng phương pháp khoa học phương Tây để nghiên cứu các hiện tượng văn hóa và xã hội Việt Nam.
Bìa cuốn sách “Văn minh Việt Nam”. |
Nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét, “Văn minh Việt Nam” là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”. PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể, ông đã nhiều lần được gặp và nói chuyện với nhà dân tộc học ông Georges Condominas, và ông đã thừa nhận, ông đã hiểu Việt Nam nhiều hơn, bởi ông đã đọc đi đọc lại cuốn “Văn minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên.
Cuốn sách có giá trị về việc mở ra một cửa sổ, để quốc tế hiểu hơn về văn minh Việt Nam, trong thời điểm đất nước ta chưa có được những công trình, những tài liệu để mở ra cho thế giới như ngày hôm nay. “Văn minh Việt Nam” còn giúp độc giả hiểu thêm về cuộc sống xã hội Việt Nam vào những năm 1930, thời điểm Nguyễn Văn Huyên viết tác phẩm này, từ đó, có những so sánh, đối chiếu với xã hội hiện nay, để thấy được sự thay đổi của văn hóa Việt trong 70 năm qua, đồng thời, cũng chứng minh một vấn đề, rằng văn hóa luôn không ngừng biến đổi.
Có thể nói, “Văn minh Việt Nam” đã tập hợp kho tri thức đồ sộ về văn minh và xã hội Việt Nam vào những năm 1930 - 1940, khi đó chúng ta đang sống trong một đất nước bị nô lệ, và việc Nguyễn Văn Huyên “dám” khẳng định một nền “Văn minh Việt Nam” vào thời điểm đó, là một việc làm dũng cảm, góp phần nhen nhóm niềm tự hào, truyền đạt lòng yêu nước cho thế hệ trẻ học sinh Việt Nam thời đó.