Sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặc cách cho các trường văn hóa nghệ thuật có những quy định riêng đối với ngành thi năng khiếu, thậm chí không thi môn văn mà chỉ xét tuyển...
Các đơn vị nghệ thuật truyền thống ngày càng khó tuyển sinh. (Ảnh: Diễn viên Hồng Thủy, Đoàn Cải lương Tây Đô). |
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) lại tiếp tục giao thí điểm trực tiếp tuyển sinh và đào tạo... Nhưng dường như tất cả những nỗ lực trong công tác đào tạo của Nhà nước cũng như của các đơn vị nghệ thuật vẫn chưa giải quyết được cơn khát thí sinh nghệ thuật.
Kẻ mừng, người lo
Suốt 3 tháng nay, lực lượng cán bộ, nghệ sĩ của 4 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL, gồm: Nhà hát chèo Việt Nam, Nhà hát tuồng Việt Nam, Nhà hát cải lương Việt Nam và Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, đã tỏa đi khắp các tỉnh, thành của miền Bắc với mục đích tìm ra những học sinh có năng khiếu về nghệ thuật. Công cuộc “đãi cát tìm vàng” mới chỉ dừng ở vòng sơ tuyển, nhưng kết quả báo cáo từ mỗi nhà hát một khác. Có đơn vị thì vui mừng bởi sự bội thu về số lượng và chất lượng, có đơn vị thì cố gắng lựa chọn lắm cũng vẫn không đủ số chỉ tiêu đề ra.
Năm nay, Nhà hát tuồng Việt Nam có 60 hồ sơ thí sinh đăng ký, Nhà hát chèo Việt Nam có 150 hồ sơ đăng ký dự tuyển. So với những năm trước, kết quả này là một bước tiến vượt bậc. Đặc biệt, năm nay, các hội đồng sơ tuyển của hai nhà hát này đều báo cáo rất khả quan cả về chất lượng đầu vào của các thí sinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan từ vòng sơ tuyển vào bộ môn tuồng và chèo, thì vòng sơ tuyển của Nhà hát cải lương Việt Nam và Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam lại vẫn ở tình trạng khan hiếm thí sinh dự tuyển. Mặc dù được sự hỗ trợ nhiệt tình của các sở VHTTDL Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của các tỉnh này cũng như các kênh thông tin của các phòng văn hóa, từ các đơn vị nghệ thuật... nhưng rốt cuộc, hội đồng sơ tuyển của Nhà hát cải lương cũng chỉ lựa chọn được hơn chục thí sinh đạt yêu cầu vào vòng chung tuyển.
Những tưởng dòng ca múa nhạc sẽ khả quan hơn các bộ môn sân khấu truyền thống, tuy nhiên thực tế lại ngược lại, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam được Bộ phê duyệt cho 40 chỉ tiêu, gồm 20 diễn viên múa dân gian dân tộc và 20 diễn viên hát dân ca các vùng và các loại nhạc cụ, nhưng kết quả vòng sơ tuyển chỉ lựa chọn được có 10 diễn viên múa, 20 diễn viên hát dân ca và chơi nhạc cụ dân tộc. Nguyên nhân được các nghệ sĩ hội đồng sơ tuyển của hai nhà hát này cho biết, vẫn là do các phụ huynh cũng như các thí sinh nghiên cứu đầu ra thấy rằng khi tốt nghiệp vào các nhà hát làm việc, số buổi biểu diễn ít, thu nhập bấp bênh. Vì vậy có những em dù có thanh sắc tốt, năng khiếu biểu diễn, nhưng vẫn không dự tuyển.
Bất cập trong chính sách đãi ngộ
Chia sẻ những băn khoăn trong công tác đào tạo, các nghệ sĩ của các nhà hát, những người thầy sẽ trực tiếp giảng dạy cho học sinh, đều cho rằng, sự khó khăn trong công tác tuyển sinh đầu vào của các ngành nghệ thuật có nguyên nhân từ những khó khăn của hoạt động nghệ thuật hiện nay, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống. Đồng lương và các chế độ đãi ngộ nghệ sĩ, cách tính ngạch bậc diễn viên, nhạc công nghệ thuật dân tộc còn bất hợp lý. Theo các nghệ sĩ, việc đào tạo ra một nghệ sĩ, diễn viên rất công phu không giống như một công chức, viên chức bình thường, từ việc đào tạo kèm cặp, đào tạo tại chỗ cho tới những chuyên ngành phải lấy từ độ tuổi rất nhỏ như múa, tuồng... Lao động sáng tạo nghệ thuật nói chung là một dạng lao động đặc biệt và có tính chất phức tạp, đã vậy thời gian hoạt động biểu diễn của nghệ thuật lại rất ngắn, bình quân từ 15 đến 20 năm, đến độ tuổi trung niên khả năng biểu diễn sẽ suy giảm.
Ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam cho biết: “Bảng lương của ngạch diễn viên đã có nhiều bất cập. Thang, bậc lương của ngạch diễn viên bậc khởi điểm không tương ứng với tiêu chuẩn chức danh, diễn viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp đều xếp cùng bảng lương viên chức loại B (diễn viên hạng III). Hiện nay lương khởi điểm đối với diễn viên trình độ đào tạo bậc đại học vào bậc 2, hệ số 2,06. Hệ số lương này khiến nhiều diễn viên trẻ khó trụ nổi với nghề khi thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống tối thiểu”.
Quyết định 180 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật được ban hành từ ngày 9/8/2006 tính đến nay đã bộc lộ quá nhiều hạn chế, xuất phát từ sự biến động của hệ số lương cơ bản. Hệ số lương cơ bản năm 2006 là 350.000 đồng, cho tới năm 2013 là 1.150.000 đồng. Biến động hệ số lương như vậy, nhưng chế độ bồi dưỡng luyện tập biểu diễn vẫn dậm chân tại chỗ, với 3 mức bồi dưỡng cho luyện tập từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/ngày, bồi dưỡng biểu diễn có 3 mức: 20.000 đồng đến 50.000 đồng/ngày.
Có thể thấy rằng, tỷ lệ người đăng ký dự tuyển vào các trường nghệ thuật thấy rõ ràng quá là chênh lệch so với các khối đào tạo khác, bởi cơ chế, chính sách đặc thù cho nghệ sĩ, diễn viên trong nghệ thuật biểu diễn đang có những bất cập. Có thực mới vực được đạo, muốn đầu vào có chất lượng, có đông thí sinh đăng ký vào ngành nghệ thuật, muốn có những nghệ sĩ tâm huyết, cống hiến hết mình với nghề, thì Nhà nước cần có cơ chế đãi ngộ thích đáng cho tài năng nghệ thuật. Được biết, Bộ VHTTDL đang hoàn thiện đề án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với nghệ sĩ, diễn viên, Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mong rằng các bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện các điều khoản, tiêu chí để ngành nghệ thuật biểu diễn có một cơ chế chính sách đặc thù phù hợp, giúp cho người nghệ sĩ, diễn viên an tâm với nghề, sáng tạo ra những tác phẩm có chất lượng.
Bài và ảnh: Lương Nhi