Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa đưa ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử như: Đưa loại hình này vào học đường, tìm kiếm thế hệ trẻ kế thừa, rà soát lại hoạt động của các câu lạc bộ, thành lập quỹ hỗ trợ, tạo không gian biểu diễn cho các nghệ nhân…
Theo Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Đờn ca tài tử tại Thành phố Hồ Chí Minh đang đối diện nhiều vấn đề khi loại hình này chỉ phát triển tại vùng ngoại thành, chủ yếu ở lứa trung niên. Bên cạnh đó, các nghệ nhân đờn ngày càng khan hiếm, hoạt động sáng tạo bài bản, nhạc khí cũng chưa được chú trọng, phát huy. Các chương trình Đờn ca tài tử ở các nhà văn hóa chất lượng chưa cao, thiếu đầu tư kinh phí, chuyên môn…
Để Đờn ca tài tử luôn có sức sống mạnh mẽ, Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên cho rằng, cần có những chính sách hợp lý của mỗi địa phương trong đối đãi với đội ngũ nghệ nhân. Điều này sẽ tác động rất lớn đến nhận thức, trách nhiệm và chất lượng trong truyền dạy; giúp các nghệ nhân vững lòng tin, coi việc trao truyền giá trị di sản vừa là thiên chức vừa là trách nhiệm. Đó cũng là cách làm hữu hiệu để những truyền thống văn hóa quý báu không bị mai một, đứt đoạn.
“Nếu có được đội ngũ truyền nghề như vậy cùng với sự cải tiến cung cách quản lý di sản văn hóa phi vật thể và chế độ đãi ngộ nghệ nhân ở các địa phương, các giá trị văn hóa - nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam nói chung, Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng sẽ tồn tại và phát triển bền vững trên hành trình đi đến tương lai của dân tộc, quốc gia”, Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên nói.
Tương tự, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tấn, Trung tâm Thực hành và Truyền dạy Đờn ca tài tử Xuân Tình cho rằng, nguồn nhân lực cho Đờn ca tài tử là trung tâm của các hoạt động Đờn ca tài tử. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là người đờn và người ca đang mất cân đối khi người đờn ngày càng bị mai một mà chưa có kế hoạch bảo tồn, phát triển một cách khoa học và thực chất.
Theo thống kê từ năm 2010, số lượng người tham gia đờn ca tài tử có khoảng hơn 1.000 người nhưng chưa được thống kê, cập nhật, tổng hợp và bảo tồn theo quy định. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần thống kê cụ thể nguồn nhân lực của Đờn ca tài tử như: Số lượng người đờn, ca, hay người liên quan đến hoạt động đờn ca, độ tuổi, trình độ, kỹ năng,… để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn, phát huy tài năng nghệ thuật và có chính sách hỗ trợ giúp đỡ những nghệ nhân Đờn ca tài tử.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động Đờn ca tài tử trong trường học, Thạc sỹ, Nhạc sỹ Phan Nhứt Dũng, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các trường học tại Thành phố cần mở lớp ngoại khóa từ cấp Phổ thông Trung học để giúp học sinh đam mê ca hát sớm có điều kiện tiếp nhận và ca được vọng cổ, nhạc tài tử.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên ở các trường Đại học, Cao đẳng nên tranh thủ vận động sự hỗ trợ để mở các lớp dạy Đờn ca tài tử cho sinh viên yêu thích nghệ thuật này; dành quỹ phúc lợi chi phí cho hoạt động này để bồi dưỡng thầy dạy mà không thu học phí đối với học sinh, sinh viên.