Sự phát triển của kịch múa là một trong những yếu tố để đo tầm vóc và sức vươn tới của một nền nghệ thuật múa. Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ với thế giới về văn hóa nghệ thuật, chính vì thế, việc múa Việt Nam có những tác phẩm kịch múa bề thế có giá trị nghệ thuật cao là điều chúng ta cần nghĩ tới. Nhưng để làm được điều này, cần có một cơ chế đầu tư và một định hướng đúng.
Bài cuối: Cần sự đầu tư đích đáng
Không thiếu người tài!
Một cảnh trong vở kịch múa "Ngọn lửa Hà Thành". Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Nghệ thuật múa nói chung, kịch múa nói riêng có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Ở bất cứ một chương trình nghệ thuật, lễ kỷ niệm hay sự kiện văn hóa, thể thao lớn đều có sự xuất hiện của nghệ thuật múa. Nhưng trên thực tế, không ít người vẫn cho rằng múa chỉ mang tính chất minh họa cho các bài hát trong chương trình ca nhạc, chứ chưa thực sự coi múa là một loại hình nghệ thuật, và càng ít người biết rằng kịch múa cũng có nhân vật, có cốt truyện, có tính kịch... Đây là quan niệm hết sức sai lầm. Theo nhà nghiên cứu Thái Phiên, chỉ kịch múa mới mới đủ sức chuyển tải đề tài nội dung cần chuyển tải, chính vì vậy mà nhiều vở kịch múa vẫn được dựng trong những dịp kỷ niệm lớn.
Phải chăng sự lao đao của ngành múa là do thiếu người tài, về điều này, NSND Kiều Ngân, Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam khẳng định: “Lớp nghệ sỹ trẻ hôm nay rất nhiều người tài năng, họ có thể đảm nhận rất tốt được vai diễn trong những vở kịch múa. Lớp nghệ sỹ hiện nay của Nhà hát đáp ứng đầy đủ tư cách nghề nghiệp và các yếu tố kỹ thuật khác để đảm nhiệm tất cả các vở kịch múa của Việt Nam cũng như của nước ngoài. Nhiều biên đạo nước ngoài sang Việt Nam dàn dựng đã rất khen các diễn viên của ta”.
NSND Chu Thúy Quỳnh cũng cho rằng, những người tài trong ngành múa rất nhiều, đề tài cho kịch múa, lực lượng làm kịch múa cũng không thiếu. Ngay bản thân những người làm nghệ thuật múa cũng rất tâm huyết và mong mỏi để nghệ thuật múa có được những tác phẩm, những đề tài có giá trị để đời – mà những tác phẩm để đời thì phải là kịch múa.
Như vậy, vấn đề không phải do các nghệ sỹ của ta không có tài năng, cũng không phải do thiếu đề tài, kịch bản hay mà quan trọng là các nghệ sỹ có điều kiện để thể hiện được tài năng của họ hay không, và Nhà nước có định hướng, có chính sách như thế nào để phát triển kịch múa mới là điều kiện quan trọng.
Cần chính sách…
Hiện nay, sự đầu tư cho kịch múa vẫn còn khá khiêm tốn. Cách đây 15 năm, Nhà hát Nhạc vũ kịch khi dựng vở “Huyền thoại mẹ” đã tiêu tốn gần 1 tỷ đồng. Trong khi đó, vở kịch múa “Ngọn lửa Hà thành” vừa ra mắt được UBND thành phố Hà Nội đầu tư 500 triệu đồng nhưng mới chi được 250 triệu đồng, để vở diễn được ra mắt đúng thời điểm, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã trích kinh phí đầu tư thêm 100 triệu đồng nữa. Và cho đến giờ, những người tham gia dựng vở kịch, viết nhạc và diễn viên vẫn chưa nhận được hết số tiền thù lao của mình.
NSND Kiều Ngân, Phó giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết: Nhà hát Nhạc vũ kịch là đơn vị biểu diễn về loại hình múa, trong đó có ba lê bao gồm cả kịch múa và các vở ôpêra, mỗi năm được đầu tư khoảng 6-7 tỷ đồng, sau khi chi trả tiền lương cho cán bộ công nhân viên thì nhà hát còn lại 3 tỷ đồng. Với số tiền này, để dàn dựng một số chương trình nhỏ thì không vấn đề gì, nhưng nếu dựng những vở lớn thì quá thiếu, nếu có chỉ có thể dựng được 2 vở lớn thì đã hết ngân sách, rồi anh em sẽ ngồi chơi cả năm. NSND Chu Thúy Quỳnh thừa nhận: “Với mức thù lao là 15.000 đồng/buổi tập như hiện nay là quá ít so với công sức mà các diễn viên bỏ ra”.
NSND Chu Thúy Quỳnh cho rằng, được đầu tư là mong mỏi lớn nhất của những người làm kịch múa từ nhiều năm nay. Từ việc đào tạo diễn viên, đến dàn dựng và sau đó là quảng bá để vở kịch đến được với công chúng. Tất cả đều cần có sự quan tâm và đầu tư đích đáng, khi ấy kịch múa mới có đất để sống.
Phương Lan