Tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, nhiều biên đạo múa trẻ cũng thành công trong việc vận dụng chất liệu dân tộc vào trong tác phẩm của mình. Múa “Khèn núi” của Mai Trung Hưng, hay “Men tình” của Quỳnh Dương - Kim Chung, vừa tôn vinh được nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại.
Hay tác phẩm “Cút piêu - cút tình” của biên đạo Hồ Thanh Thanh giúp người xem thấy được nét dịu dàng, duyên dáng và tôn vinh được hình ảnh chiếc khăn Piêu của đồng bào dân tộc Thái…
Những tác phẩm này đã giành huy chương trong các cuộc thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Sự thành công này khẳng định lực lượng biên đạo trẻ của ngành múa Việt Nam đã trưởng thành, có thể tiếp nối sự nghiệp của các thầy cô, các lớp anh chị đi trước, đồng thời tự khẳng định mình và hình thành một phong cách mới mẻ, rất hiện đại nhưng cũng rất Việt Nam.
Theo đánh giá của GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, các biên đạo múa nhiều thế hệ đã thấu hiểu những giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ, giá trị cấu trúc nghệ thuật và những đặc trưng, những bản sắc văn hóa, bản sắc nghệ thuật múa dân gian của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Và chính những giá trị, những bản sắc ấy là nguồn cội, cảm hứng sáng tạo những tác phẩm múa có chất lượng.
Tiếp thu tinh hoa của múa dân tộc
Đất nước ta bước vào hội nhập và phát triển, nghệ thuật cũng đòi hỏi tiếp thu những cái mới. Văn hóa ngoại lai tràn ngập, các kênh thông tin nghệ thuật trên sóng truyền hình, các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam biểu diễn…
Các điệu nhảy mới như rốc, ráp, hip hop, múa đương đại tràn lan đã phần nào làm mờ nhạt, lấn át múa dân gian. NSND Hoàng Hải (Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa) thừa nhận, điều này là một thực tế, khi nhìn lại sân khấu, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc gần đây, các tiết mục múa dân gian của các đoàn tham gia hội diễn không nhiều. Đầu tư kinh phí và thời gian ít ỏi nên chất lượng tác phẩm không cao, không để lại ấn tượng.
NSƯT Lê Thị Quỳnh Anh, Chi hội trưởng Chi hội múa Khánh Hòa cũng chỉ ra thực trạng: Với sự hội nhập được mở rộng theo nhiều hình thức, mảng văn hóa nghệ thuật đang có chiều hướng “lệch pha”. Múa dân gian lại có chiều hướng lai tạp, biến tướng, không rõ ràng và chạy theo thị hiếu của khán giả, khiến nền nghệ thuật truyền thống đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc Việt, khiến khán giả bị nhầm lẫn về dân tộc, trang phục.
Đơn cử như trong chương trình Gala Nhạc việt số 7 với chủ đề “Tết trong tâm hồn” (kênh MTV Việt Nam) và chương trình Hòa âm ánh sáng liveshow 4 lên sóng hồi tháng 1/2016, việc ca sỹ Maya và các vũ công vũ đoàn mặc trang phục Mông biểu diễn ca khúc dân ca Thái “inh lả ơi” là một câu chuyện đáng buồn trên sân khấu ca múa nhạc hiện nay.
Theo NSND Hoàng Hải, múa đương đại ra đời phù hợp với hơi thở thời đại, phản ánh được các nội dung mới mẻ của thời đại, tiếp thu tinh hoa của múa đương đại nước ngoài để làm giàu cho múa đương đại Việt Nam.
Tuy nhiên, múa đương đại cần tiếp thu tinh hoa của múa dân gian các dân tộc, làm cái gốc, làm hạt giống mà lai tạo, làm chủ đề mà phát triển vì múa dân gian là hồn cốt của dân tộc. Bởi, múa dân gian là “đặc sản tinh thần” của các dân tộc, nó có đặc điểm riêng biệt về bản sắc, phong cách, tâm hồn, nên dù hội nhập, các tác phẩm múa dân gian của các dân tộc vẫn lấp lánh riêng biệt, mà không có sự hòa tan.
NSƯT Cao Chí Hải cho rằng, để giữ gìn những giá trị cốt lõi, tinh túy của múa dân gian các dân tộc thiểu số, từ đó phát triển và bổ sung hoàn thiện hơn cho các tác phẩm múa chuyên nghiệp, bên cạnh việc các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng trong quá trình giảng dạy cho các biên đạo trẻ, thì bản thân các biên đạo cũng cần phải tự trau dồi kiến thức, để hiểu sâu về văn hóa dân tộc nói chung, múa dân gian dân tộc nói riêng.
Có như vậy, khi sáng tạo tác phẩm mới không mắc những sai lầm đáng tiếc. Đồng quan điểm trên, NSƯT Bá Thái cũng cho rằng, để có một tác phẩm hay, đi vào lòng người, biên đạo múa nhất thiết phải có vốn sống thực tế sâu rộng, phải thực sự hiểu và có tình yêu dân tộc, có khả năng hiểu sâu về ngôn ngữ múa dân tộc mà mình sử dụng trong tác phẩm… từ đó, có tư duy cho ngôn ngữ múa của mình trong tác phẩm và sáng tạo ra những tác phẩm múa chuyên nghiệp đặc sắc, ấn tượng từ múa dân gian dân tộc.