Đưa nghệ thuật vào không gian sống

Ngày 4/9, tại Hà Nội, Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) và Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) phối hợp tổ chức hội thảo “Đưa nghệ thuật vào không gian sống”, nhằm giới thiệu mô hình sử dụng mỹ thuật cải tạo không gian sống tại Việt Nam.

.Mỹ thuật cộng đồng là những hoạt động nghệ thuật làm đẹp cho không gian sống của cộng đồng, với sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng đó bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Bên cạnh mục đích đem nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, các hoạt động này còn có tác dụng nâng cao thẩm mỹ, gắn kết mọi người trong cộng đồng, phòng chống tệ nạn xã hội, thúc đẩy du lịch địa phương… Mỹ thuật cộng đồng đã được áp dụng ở nhiều thành phố trên thế giới và tạo ra những hiệu quả tích cực trong việc cải thiện không gian công cộng, cũng như sinh kế cho người dân địa phương, trong đó có Hàn Quốc, như Cuộc vận động “Maeul Renaissance” (Phục dựng khu phố) ở thành phố Suwon, “Phố Dongpirang”ở thành phố ven biển Tongyeong.


Quang cảnh buổi hội thảo


Nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc làm đẹp không gian sống đô thị và dùng kết quả dự án để kết nối cộng đồng, tạo thành biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, Quỹ Giao lưu Quốc tếHàn Quốc tại Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng. Ý tưởng này sẽ được giới thiệu trong hội thảo “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” và phát triển thành đề án với sự đồng hành của Chương trình Định cư Con người LHQ (UN-Habitat) và Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF).


Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Hàn Quốc là các chuyên gia trong lĩnh vực mỹ thuật cộng đồng, phát triển đô thị đã giới thiệu về hiện trạng của mỹ thuật cộng đồng tại Hàn Quốc thông qua các trường hợp điển hình như thành phố Suwon, tỉnh Gangwon-do. Kinh nghiệm trong việc sử dụng nghệ thuật cải tạo sân chơi, không gian công cộng tại Việt Nam cũng được chia sẻ với tham luận của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả Con đường gốm sứ.


Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy phát biểu



Theo họa sĩ Nguyễn Thu Thủy,  tại Việt Nam, sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, cả nước bắt tay vào công cuộc khôi phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước, ngân sách chủ yếu được sử dụng vào việc xây dựng các công trình thiết yếu như bệnh viện, trường học, cơ quan, nhà ở, công xưởng, nhà máy…Mới khoảng hai chục năm trở lại đây, khi kinh tế đất nước khá dần lên, việc xây dựng các bảo tàng và tượng đài kỷ niệm dần được chú trọng. Các công trình nghệ thuật công cộng đàu tiên ở các đô thị Việt Nam có lẽ là tượng đài các vị anh hùng dân tộc. Tiếp đó, có thể kể đến các trại sáng tác điêu khắc quốc tế được tổ chức ở Hà Nội, Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Thọ đã để lại những tác phẩm diêu khắc mang tính trang trí tại không gian công cộng của vườn Bách Thảo (Hà Nội), bên bờ sông Hương (Huế) hay bên bờ biển Nha Trang, Vũng Tàu, vườn hoa trước tòa nhà UBND tỉnh Phú Thọ.


Trong hành trình "Đưa nghệ thuật vào không gian sống” tại Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy là một trong những người tiên phong. Năm 2006, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã đề xuất lên UBND Thành phố Hà Nội một công trình nghệ thuật mang tên "Con đường Gốm sứ ven sông Hồng"", quà tặng nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Để thuyết phục ban lãnh đạo thành phố ra quyết định cho triển khai thực hiện dự án, họa sỹ Thu Thủy đã tổ chức hai cuộc triển lãm ngoài trời để chứng minh tính ưu việt của chất liệu gốm sứ ở không gian ngoài trời. Trước sự ủng hộ của công luận báo chí và công chúng về ý tưởng làm đẹp dải tường đê bê tông ven sông Hồng, thành phố đã ra quyết định cho phép triển khai thực hiện dự án. Trong 4 năm, từ năm 2006 đến năm 2010, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy và công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã tổ chức thi công gần 7.000 m2 tranh gốm (cao trung bình 2m , chạy dài gần 4km). Dự án thu hút 15 nghệ sỹ quốc tế từ 10 nước tham dự ( Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Đan Mạch, Croatia, Argentina và Panama), 20 nghệ sỹ Việt Nam, 50 sinh viên mỹ thuật, 100 nghệ nhân gốm từ các làng gốm truyền thống, 500 em thiếu nhi từ các trường học. Ngày 5/10/2010 đã diễn ra lễ khánh thành Con đường Gốm sứ, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong buổi lễ trang trọng này, UBND Thành phố Hà Nội đã gắn biển Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới trao bằng công nhận đây là bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới (3,85 km dài, với diện tích 6.950m2).


Công trình Đài phun nước Bông Sen Vàng tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) đã đem lại giải Khuyến khích cho họa sỹ Thu Thủy tại cuộc thi Thiết kế Quốc tế IDA lần thứ 8 tại LosAngeles (Hoa Kỳ) vào đầu năm 2015.


Tiếp sau Con đường Gốm sứ tại Hà Nội, họa sỹ Thu Thủy tiếp tục phát triển các dự án nghệ thuật công cộng ở Hà Nội, Thái Nguyên, Thánh Hóa và quần đảo Trướng Sa. Trong đó, nổi bật có công trình Lá cờ Tổ quốc bằng gốm sứ rộng 312m2 ở đảo Trường Sa Lớn ( hoàn thành năm 2012), Đài phun nước Bộ Ấm trà tri kỷ ở đồi chè Tân Cương ( Thái Nguyên), 6 bức tranh cổ động gốm sứ ở Trường Sa với chủ đề “ Trường Sa- sức mạnh Việt Nam”, Bức tranh gốm kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris tại tòa thị chính thành phố Choisy le Roi (CH Pháp), Trái tim Tình yêu Hà Nội bên hồ Trúc Bạch,… Đặc biệt, công trình Đài phun nước Bông Sen Vàng tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) đã đem lại giải Khuyến khích cho họa sỹ Thu Thủy tại cuộc thi Thiết kế Quốc tế IDA lần thứ 8 tại LosAngeles (Hoa Kỳ) vào đầu năm 2015.


Miệt mài và đam mê với nghệ thuật công cộng, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy vẫn đang tiếp tục phát triển các ý tưởng mới làm thay đổi những không gian chưa được đẹp mắt của thủ đô. Ví dụ, họa sỹ Thu Thủy đã đề xuất và sắp tới sẽ triển khai thực hiện việc quét sơn vôi trang trí, vẽ một số tranh tường bằng chất liệu acrylic để trang trí lại trục đường Âu Cơ- Nghi Tàm- Yên Phụ- Trần Nhật Duật- Trần Quang Khải – tuyến đường cửa ngõ từ trung tâm thủ đô đi ra sân bay và ngược lại, phủ những gam màu tươi vui lên bến xe bus Long Biên…


PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN