Chuyện Hoa hậu Lưu Thị Diễm Hương (Diễm Hương) phải dừng tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu theo nội dung Công văn số 131/NTBD-PQL, ngày 7/3/2014 của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) gây sự tranh cãi trong những ngày gần đây. Sự việc trở nên rắc rối khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vào cuộc và đưa ra kết luận: Không có đủ căn cứ pháp lý để Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành Công văn 131 cấm Hoa hậu Diễm Hương biểu diễn trên toàn quốc.
Hoa hậu Diễm Hương trong một lần làm từ thiện tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: kienthuc.net.vn |
Theo lý giải của Cục Nghệ thuật biểu diễn, cơ sở để cục này ban hành Công văn số 131 là do Hoa hậu Diễm Hương không tuân thủ quy định của pháp luật, vi phạm quy tắc về đạo đức của người hoạt động nghệ thuật. Cụ thể là hoa hậu này đã vi phạm quy chế cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012: Đã đăng ký kết hôn mà vẫn đại diện cho Việt Nam tham gia một cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới. Cục Nghệ thuật biểu diễn căn cứ vào quy chế về tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp ban hành kèm theo Quyết định 87/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, thì quy chế 87 mà Cục Nghệ thuật biểu diễn lấy làm chỗ dựa để ban hành văn bản cấm diễn với Hoa hậu Diễm Hương chỉ quy định về việc tước danh hiệu khi thí sinh đoạt giải có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, chứ không phải là cấm biểu diễn. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 79 về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu… thì kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành (1/1/2013), thì Quyết định 87/2008/QĐ đã bị bãi bỏ.
Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, dựa trên các quy định pháp luật hiện hành thì không có quy định nào để Cục Nghệ thuật biểu diễn có thể xử lý sai phạm của Hoa hậu Diễm Hương. Vì thế, Cục Nghệ thuật biểu diễn có trách nhiệm phải thu hồi lại Công văn số 131, để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hoa hậu này.
Nếu theo kết luận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, câu chuyện về Hoa hậu Diễm Hương coi như đã ngã ngũ, áp lực đối với Hoa hậu Diễm Hương có vẻ đã được giải tỏa. Hoa hậu này có lỗi vì đã khai gian tình trạng hôn nhân để được tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012, nhưng luật pháp cũng quy định không thể vì lỗi ở cuộc thi này mà xử phạt ở cuộc thi khác. Các đơn vị, các nhà sản xuất đã ký hợp đồng biểu diễn, đóng phim với hoa hậu này có vẻ cũng đã trút được sự lo âu khi lệnh cấm của cấp có thẩm quyền bị hủy bỏ.
Nhưng “được vạ thì má đã sưng”, Diễm Hương đã không thể tiếp tục tham gia bộ phim truyền hình dài tập “Mỹ nhân Sài Gòn” của Công ty Cát Tiên Sa (mặc dù đã có 20 tập phim được hoàn thành), chưa kể các hợp đồng mà Diễm Hương đã ký với các đối tác trong các chương trình biểu diễn thời trang, hành nghề người mẫu... Còn với Công ty Cát Tiên Sa, sau khi công ty này có văn bản xin ý kiến về việc xử lý Diễm Hương mà không được Cục Nghệ thuật biểu diễn trả lời, nên công ty này đã buộc phải chọn người khác thay thế cho vai diễn của Diễm Hương.
Đây không phải là lần đầu tiên một cá nhân tham gia showbiz ở trong nước bị vướng lệnh cấm biểu diễn từ Cục Nghệ thuật biểu diễn. Cách đây chưa lâu, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã ban hành văn bản cấm sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật tham gia biểu diễn tại các quán bar, vũ trường. Văn bản này sau đó cũng phải hủy, bởi sinh viên lấy đó làm nơi mài giũa nâng cao trình độ, đồng thời cũng là nơi sinh viên có thể kiếm sống, và quan trọng là họ hành nghề đúng quy định của pháp luật.
Đến đây, rất nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành văn bản sai thẩm quyền? Cụ thể, với trường hợp của Hoa hậu Diễm Hương, không thể chỉ dừng ở việc nhận thiếu sót, cơ quan ban hành văn bản sai luật phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (tinh thần và vật chất) cho đương sự.
Yến Nhi