Hội tụ văn hóa
Khai mạc vào lúc 20 giờ tối 29/4 tại sân khấu Quảng trường Ngọ Môn (thành phố Huế), Festival Huế 2016 có sự góp mặt của 34 đơn vị nghệ thuật, trong đó có 21 đoàn nghệ thuật quốc tế, đến từ 17 quốc gia trên thế giới.
Biểu diễn của đoàn nghệ thuật trong nước tại lễ khai mạc Festival Huế 2016. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Với chủ trương kết cấu hợp lý các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội, có sức thu hút đối với công chúng, giữ vững vị thế, thương hiệu quốc tế của Festival Huế, góp phần phát huy và quảng bá truyền thống văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả; chương trình Festival Huế 2016 đã tổ chức theo hướng không quá dàn trải, tinh gọn; phát huy nội lực, huy động lực lượng văn nghệ sỹ trên địa bàn làm nòng cốt; đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động lễ hội.
Theo đó, các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn đã được diễn ra hằng đêm trên các sân khấu ở Đại Nội, Cung An Định; cũng như một số điểm diễn giao lưu khác trên địa bàn thành phố. Đó là chương trình quảng diễn đường phố “Những vì sao rực sáng trong đêm” của đoàn nghệ thuật L’Homme Debout (Vùng Poitou - Charentes, Pháp), diễn ra ngày ngày 30/4 tại công viên Trịnh Công Sơn và ngày 2/5 tại sân Hàm Nghi; lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” của các đoàn nghệ thuật từ nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Á - Mỹ Latinh, diễn ra ngày 1/5 và 3/5, trên các đường phố trung tâm; chương trình Áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu” ngày 30/4, tại Bia Quốc học; chương trình “Về miền Hương Ngự” giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế (ngày 2/5/2016 tại Đình làng Kim Long); chương trình “Lễ hội Quảng Chiếu” diễn ra ngày 1/5/2016 tại công viên Thương Bạc...
Một chương trình nổi bật, vốn đã trở nên quen thuộc với những du khách khi tham gia Festival Huế, đó là chương trình "Âm sắc Việt". Năm nay, chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sỹ đến từ CLB Nhã nhạc - Ca Huế Phú Xuân (thành phố Huế), CLB Ca Trù Thái Hà (Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi cùng CLB đàn và hát dân ca thành phố Đà Nẵng. Tại chương trình, người xem đã được thưởng thức Nhã nhạc cung đình, thể loại âm nhạc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa - Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể nhân loại và Ca Huế một thể loại âm nhạc cổ truyền đặc sắc của xứ Huế; những làn điệu ca trù thể hiện trọn vẹn những nét tinh túy của một loại hình nghệ thuật dân gian bác học; nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi là một hình thái nghệ thuật trình diễn dân gian sinh động mang bản sắc riêng.
“Với hơn 50 hoạt động diễn ra trên khắp các địa bàn tỉnh, Festival Huế 2016 không chỉ tiếp tục hướng đến việc quảng bá hình ảnh của một Cố đô Huế đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, nhưng cũng không kém phần năng động trẻ trung, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, mà từ đó, bạn bè và du khách sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về văn hóa Huế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Thừa Thiên - Huế và các địa phương trong vùng phát triển ngày một mạnh mẽ, bền vững hơn, để du khách luôn nhớ những giây phút kỳ thú mà bình yên, mới mẻ mà thân thuộc, thoải mái và ấm tình người cùa vùng đất Cố đô”, ông Nguyễn Dung - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - Trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2016, khẳng định.
Trong thời gian tổ chức Festival Huế 2016, thành phố Huế cũng đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam và Thủ tướng Chính Phủ chọn đăng cai tổ chức phiên họp đầu tiên của dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ La tinh”, với sự tham dự của các Thị trưởng, đại diện thành phố từ các nước thành viên của Diễn đàn (FEALAC).
Xây dựng văn hóa xích lô Huế
Cũng trong dịp Festival Huế 2016, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định tổ chức lại nhóm xích lô du lịch trên địa bàn theo mô hình du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của dịch vụ xích lô, xây dựng hình ảnh đẹp, tạo ấn tượng tốt với du khách.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Xích lô là phương tiện tiện lợi, không chiếm quá nhiều diện tích, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với những con đường nhỏ của thành phố Huế. Đi trên những chiếc xích lô, du khách có thể thư thả ngắm nhìn những di sản tuyệt đẹp của xứ Huế. Nhiều khách du lịch nước ngoài đã lựa chọn xích lô làm phương tiện đi lại trong thành phố Huế, dịp Festival 2016.
Hiện thành phố Huế có khoảng 100 chiếc xích lô; các xe đã được chỉnh trang sơn sửa lại, trang bị bọc nệm xe, trần xe. Các tài xế điều khiển xích lô được cấp phát đồng phục gồm áo, mũ, bản đồ hướng dẫn du lịch. Các nhóm xích lô trong dịp Festival Huế 2016 hoạt động với phương châm "5 không, 5 luôn". 5 không là: "Không đeo bám, chèo kéo, giành giật khách; không nói tục chửi thề, không đánh nhau; không sử dụng rượu bia và các chất kích thích khi làm việc; không vòi vĩnh xin tiền sau khi phục vụ khách; không tiếp tay môi giới, không giao dịch cho các tệ nạn xã hội"; 5 luôn là: Luôn chấp hành quy trình phục vụ và an toàn; luôn chấp hành lộ trình - giá cả; luôn trau dồi kiến thức du lịch và ngoại ngữ; luôn thân thiện - văn minh - lịch sự; luôn nói lời cảm ơn.