Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Hải Vân Quan xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7, 1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhân tạo", tức làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).
Di tích Hải Vân quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Nằm ở độ cao 490 m so với mực nước biển, Hải Vân Quan là cụm bố phòng quân sự với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công… Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Chính vì vậy, triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ.
Theo Đại Nam Thực Lục, sau khi trùng tu Hải Vân Quan, triều đình đã "phái biền binh 4 đội Hữu Sai và 2 đội Ứng Sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, súng phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng) theo viên tấn thủ đóng giữ".
Việc Hải Vân Quan được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia là cơ sở để các địa phương có di tích bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị đặc biệt của di tích này. Trong thời gian tới, Hải Vân Quan sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa vào danh mục các công trình thuộc di tích triều Nguyễn trong hồ sơ tái đề cử Quần thể di tích Cố đô Huế là Cảnh quan Văn hóa Thế giới đệ trình UNESCO - Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết.
Một thời gian dài vừa qua, di tích Hải Vân Quan xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân cơ bản do di tích này nằm giữa địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng, nên suốt nhiều năm liền Hải Vân Quan bị "kẹt" giữa vấn đề quản lý, bảo vệ và dần trở thành phế tích trong sự xót xa của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên - Huế cho biết: Vào cuối năm 2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã liên kết với nhau để "cứu" di tích này. Bước đầu, ngành Văn hóa hai tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ để tiến hành thực hiện các bước trùng tu di tích Hải Vân Quan. Hai địa phương cùng thống nhất cùng làm chung bộ hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia; đồng thời tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để tiến hành trùng tu và khai thác có hiệu quả cụm di tích này.
Sau khi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích Quốc gia, hai địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ trùng tu di tích, từng bước trả lại vẻ đẹp vốn có của Hải Vân Quan và tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng khai thác hiệu quả cụm di tích này...