Giải Oscar 83: Hãng phim ít tên tuổi "được mùa"

Dàn minh tinh màn bạc nổi tiếng thế giới đã tụ hội tại Nhà hát Kodak ở "thành phố của những thiên thần" Los Angeles (Mỹ), để cùng tham dự Lễ trao giải Oscar lần thứ 83 của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ, giải thưởng điện ảnh danh giá được thế giới đón đợi nhất trong năm, với chiến thắng vang dội của bộ phim “The King's speech” (Phát biểu của Vua).

Đây là lần đầu tiên giải Oscar được một tài tử (James Franco) và một mỹ nhân (Anne Hathaway) cùng dẫn chương trình. Lựa chọn này đã khiến nhiều người bất ngờ bởi họ không phải là diễn viên hài, đồng thời cả hai người đều là những ứng cử viên tiềm năng của giải năm nay.

The King’s speech "thống trị" Oscar lần thứ 83 với 4 giải thưởng lớn. Ảnh: AFP-TTXVN


Trái với thông lệ là những bộ phim bom tấn của Hollywood thường có nhiều lợi thế, bộ phim “The King’s speech” dẫn đầu danh sách với 12 đề cử, do hãng Weistein không mấy tên tuổi phát hành, đã bước lên đài vinh quang, giành chiến thắng ở hạng mục quan trọng nhất - giải "Phim xuất sắc nhất" và "Kịch bản gốc xuất sắc nhất".

“The King’s speech” thuộc đề tài lịch sử đậm chất châu Âu và màu sắc của Hoàng gia Anh, vốn thống lĩnh 7 hạng mục tại lễ trao giải BAFTA (giải thưởng điện ảnh của Anh). Tác phẩm điện ảnh này là câu chuyện về vị Vua George VI, cha của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ông bất đắc dĩ phải lên ngôi trị vì đất nước sau khi người anh trai - Vua Edward VIII thoái vị. Do tật nói lắp cùng với tính tình nhút nhát, Vua George VI phải nhờ đến bác sĩ trị liệu để chữa tật nói lắp và đã cùng chính phủ lãnh đạo nước Anh chống lại Đức Quốc xã trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bà bầu Natalie Portman xúc động nhận tượng vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Ảnh: AFP-TTXVN


Chiến thắng của “The King’s speech” không gây bất ngờ vì mặc dù từng bị “The Social Network” (Mạng xã hội) vượt mặt tại Quả cầu vàng, nhưng ở các giải thưởng tiền Oscar diễn ra sau đó, bục vinh quang đều được giành cho bộ phim về ông vua nói lắp. Trong lịch sử giải Oscar, chưa có bộ phim nào về lịch sử nước Anh giành giải "Phim hay nhất". “The King’s speech” đã ghi dấu ấn quan trọng của điện ảnh thế giới và xứng đáng là "vua" của Oscar năm nay. Đạo diễn phim này là Tom Hooper cũng đã vượt qua đối thủ David Fincher của “The Social Network” để giành giải "Đạo diễn xuất sắc nhất".

Trong khi đó, sau hai năm liên tiếp được đề cử giải "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất", may mắn cuối cùng cũng đã mỉm cười với Colin Firth tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83. Với vai diễn Vua George VI trong “The King’s speech”, nam diễn viên này cũng đã thâu tóm mọi giải thưởng tiền Oscar cho hạng mục này.

Hai người dẫn chương trình duyên dáng của Oscar năm 2011. Ảnh: AFP-TTXVN


“The Social Network”, đối thủ trong cuộc đua song mã với “The King’s speech” dù không nhận được giải cao nhất, song đã được vinh danh ở các hạng mục "Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất", "Nhạc phim hay nhất" và "Biên tập phim xuất sắc nhất". Có kinh phí sản xuất khoảng 65 triệu USD, “The Social Network” được xây dựng dựa trên cuốn sách “The Accidental Billionaires” (Bỗng nhiên thành tỷ phú), kể về nguồn gốc ra đời của mạng xã hội Facebook và những tiết lộ về bí ẩn đời tư và tình cảm của nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg. Bộ phim không chỉ là câu chuyện về mạng xã hội này mà còn là câu chuyện đầy chiều sâu và chân thực về quan niệm, tình cảm của Zuckerberg về tình bạn và sự phản bội, đúng như áp phích "Bạn không thể có được 500 triệu bạn bè mà không tạo ra vài kẻ thù".

Một giải thưởng quan trọng được các nhà phê bình và giới yêu điện ảnh đặc biệt quan tâm trong các kỳ trao giải Oscar là giải "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất" năm nay đã thuộc về “In a better world” (Trong một thế giới tốt đẹp hơn) của điện ảnh Đan Mạch. Tiếp nối thành công tại Lễ trao giải Quả cầu vàng diễn ra hồi tháng 1/2011, “In a better world” của đạo diễn Susanne Bier lại bước lên bục vinh quang. Trong số 65 quốc gia tranh giải ở hạng mục này có những nước lần đầu tiên gửi phim tham gia là Êtiôpi và Grinlen.

Colin Firth (đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất) và vợ trên thảm đỏ Oscar năm 2011. Ảnh: AFP-TTXVN


Bom tấn giả tưởng ăn khách “Inception” (Kẻ cắp giấc mơ) của đạo diễn Christopher Nolan với 8 đề cử đã giành tượng vàng ở các hạng mục "Sử dụng âm thanh", "Biên tập âm thanh", "Quay phim đẹp nhất" và "Hiệu ứng hình ảnh đẹp nhất".

Hai phim hoạt hình đoạt tượng vàng là “The Lost thing” (Cái đã mất) với giải "Phim hoạt hình ngắn hay nhất" và “Toy story 3” (Câu chuyện đồ chơi 3), bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất trong năm 2010 của hãng Pixar, với giải "Phim hoạt hình hay nhất". Đây là lần thứ 11 hãng Pixar giành được giải thưởng cao quý này. Bên cạnh đó, giai điệu vui nhộn của bài hát “We Belong Together”, được nghệ sĩ Randy Newman thể hiện trong đêm trao giải, đã giúp “Toy story 3” giành giải "Ca khúc trong phim hay nhất". Bộ phim 3D “Alice in Wonderland” (Alice ở xứ sở thần tiên) đã nhận được giải "Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất" và giải "Thiết kế phục trang đẹp nhất".

Được xem là ứng cử viên nặng ký nhất cho giải thưởng "Nữ diễn viên xuất sắc" tại Oscar năm nay, bà bầu xinh đẹp Natalie Portman duyên dáng trong chiếc đầm tím đã không phụ lòng hâm mộ của công chúng khi tên của cô đã chính thức được xướng tại lễ trao giải. Diễn xuất tuyệt vời của Portman trong phim “Black Swan” (Thiên nga đen), nhất là những cảnh thể hiện sự thay đổi nét mặt, đã chinh phục hầu hết các giám khảo khó tính tại lễ trao giải Quả cầu vàng, BAFTA, Screen Actors Guild và nay là Oscar. Nàng "Thiên nga đen" đã không giấu nổi nước mắt xúc động khi cầm tượng vàng trên tay.

Trong hạng mục nam - nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, vai diễn hai mẹ con trong phim “The Fighter” (Chiến binh) của Christian Bale và Melissa Leo đã giúp họ cùng nhau giành giải thưởng. Phải giảm tới hơn 10 kg để trở thành một chàng võ sĩ quyền anh nghiện ngập, "Người dơi" Bale đã làm nhiều người ngạc nhiên vì sự tài tình trong cách thể hiện, giúp anh trở lại với những thành công trước đây của “American Psycho”, “The Machinisthay” và “The Prestige”. Trong khi đó, không uổng công khi làm "trò cười" cho Hollywood do tự bỏ tiền ra để quảng bá hình ảnh với hy vọng đoạt giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp, cố gắng của Leo đã được đền đáp vì không ai chối bỏ thành công của vai diễn bà mẹ hư hỏng trong “The Fighter”.

Một số hạng mục khác trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 83 gồm: Phim tài liệu xuất sắc nhất (Inside job - Nghề nội bộ); Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất (Strangers no more - Không còn xa lạ); Phim ngắn xuất sắc nhất (God of love - Thần tình yêu); Hóa trang xuất sắc nhất (The Wolfman - Người sói). Đạo diễn trẻ Luke Matheny của “God of love” khiến khán giả bật cười trước sự vụng về cố tình của anh chàng khi phát biểu nhận giải bằng cách đọc giấy.

Phần trình diễn của gần 70 thiên thần đáng yêu trong dàn đồng ca PS22 Chorus và ca khúc Somewhere over the rainbow đã truyền tải thông điệp "ước mơ sẽ thành hiện thực", khép lại lễ trao giải Oscar lần thứ 83 với nhiều cảm xúc.

Quang Minh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN