Bình chọn online, trao giải cũng không thể tổ chức hoành tráng như những mùa giải trước, nhưng không vì thế mà Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) giảm nhiệt. Niềm vui của những nghệ sĩ gặt hái sau một năm đầu tư công sức; hạnh phúc của người yêu nhạc khi chứng kiến sự chững chạc và phát triển của nền âm nhạc Việt Nam... Tất cả đều trào dâng khi BTC công bố kết quả.
"Cống hiến" đã nghe "Mị nói"
Hào hứng chia sẻ với báo chí, Trưởng BTC Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, ông Lê Xuân Thành, cho biết: Đây là năm đầu tiên giải Âm nhạc Cống hiến có “poker” (cú ăn bốn).
Và nghệ sĩ đã giành cú "poker" này chính là ca sĩ Hoàng Thùy Linh với ca khúc "Để Mị nói cho mà nghe" và album "Hoàng".
Cụ thể, giải thưởng Cống hiến dành cho "Music video của năm" đã thuộc về MV "Để Mị nói cho mà nghe" (Thể hiện: Hoàng Thùy Linh; ĐD: Nhu Đặng; Sáng tác: Thịnh Kainz - Kata Trần). "Để Mị nói cho mà nghe" cũng giành luôn giải thưởng "Bài hát của năm". "Album Hoàng" (Thể hiện: Hoàng Thùy Linh; Sáng tác: Thịnh Kainz - Kata Trần) giành giải "Album của năm". Và cuối cùng, Hoàng Thùy Linh cũng giành luôn giải "Ca sĩ của năm".
"Giải Âm nhạc Cống hiến cho đến lần 14, có nhiều nghệ sĩ lập cú “double” như: nhạc sĩ Đỗ Bảo, ca sĩ Đức Tuấn, nhạc sĩ Khắc Hưng, mới năm ngoái là ca sĩ Hà Anh Tuấn… Tuy nhiên, vẫn chưa có ai lập được “hat-trick” chứ đừng nói là “poker” như năm nay", ông Lê Xuân Thành chia sẻ.
Sự "lên ngôi" của Hoàng Thùy Linh và "Để Mị nói cho mà nghe" quả thật có nằm trong dự liệu của nhiều người. Bởi đây là một sản phẩm âm nhạc thành công và có giá trị của năm 2019. Tuy nhiên, dự liệu về việc Hoàng Thùy Linh chiếm tới 4/9 giải của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến thì cũng chưa ai nghĩ tới.
Bản thân Hoàng Thùy Linh khi nhận giải cũng chia sẻ: Không dám tin giấc mơ đã thành sự thật!
“Tôi có cảm giác đây như một giấc mơ và tôi còn chưa dám tin đó là sự thật. Giải Âm nhạc Cống hiến là ước mơ của rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có Hoàng Thùy Linh. Tôi đã theo dõi chặng đường đi của giải thưởng Âm nhạc Cống hiến trong nhiều năm và có những người đã đoạt giải mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Giờ lập được thành tích như vậy, tôi nghĩ tôi sẽ tự cho mình những phút giây hạnh phúc và tự hào. Tôi sẽ tận hưởng một chút vì… giấc mơ đã thành sự thật. Trong quá trình sản xuất album "Hoàng" cũng như ca khúc "Để Mị nói cho mà nghe", tôi cũng như đồng đội của mình đều rất "hồn nhiên", mọi người muốn mang màu sắc tươi trẻ nhưng vẫn mang hơi thở thời đại vào trong tác phẩm. Được khán giả đón nhận là niềm hạnh phúc vô cùng với một người làm nghề, không chỉ riêng tôi mà cả ê-kíp đứng sau tạo nên thành công, hạnh phúc như lúc này", Hoàng Thùy Linh cho biết.
"Để Mị nói cho mà nghe" (Hoàng Thùy Linh) được đánh giá là có giai điệu âm nhạc mang phong cách dân gian nhưng rất hiện đại, mới mẻ, tạo ấn tượng cho người nghe. Những màn vũ đạo trong MV tạo nhiều hứng khởi, nhiều khung hình đẹp.
Còn MV "Để Mị nói cho mà nghe" được đánh giá là MC mà phần hình ảnh và âm nhạc mang tính logic và đạt hiệu quả rất cao. Từ trang phục, khung cảnh… cho đến những màn nhảy múa tập thể đầy hào hứng đều toát lên tinh thần của văn hóa dân gian vùng Tây Bắc. Ca khúc của MV "Để Mị nói cho mà nghe" là một bản nhạc pop gồm 2 đoạn: đoạn A với âm điệu, tiết tấu vui tươi, nhộn nhịp; đoạn B, giai điệu phát triển từ chất liệu âm nhạc của đoạn A, mang tính chất trữ tình và lạc quan. Giai điệu của bản nhạc mang âm hưởng dân gian Việt Nam nói chung, nhất là đoạn điệp khúc mang âm hưởng của nhạc dân gian Tây Bắc. Tiết tấu của bài nhạc cũng như phần đệm mang tính chất trẻ trung, hiện đại, phần phối khí với việc mô phỏng tiếng sáo, tiếng khèn Tây Bắc rộn ràng, thúc giục gây ấn tượng cho người nghe. Đặc biệt, ngoài đoạn rap mang tính “thời thượng”, ca khúc còn có “câu key”: “Để Mị nói cho mà nghe”, rất bắt tai, dễ tạo ấn tượng và dễ tạo… trend.
Những cuộc đua tranh "gay cấn"
Cùng với sự lên ngôi của Hoàng Thùy Linh với 4 giải thưởng, thì những giải thưởng còn lại của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 cũng gọi ra những cái tên vô cùng xứng đáng: "Nhà sản xuất của năm" thuộc về Nhóm DTAP (Thịnh Kainz - Kata Trần - Tùng Cedrus); "Nghệ sĩ mới của năm" thuộc về Amee; "Chuỗi chương trình của năm" thuộc về Lễ hội âm nhạc TP Hồ Chí Minh - Hò dô 2019 (Sở VH,TT TP.HCM); "Chương trình của năm" thuộc về chương trình "Trở về" (Tân Nhàn) và cuối cùng "Nhạc sĩ của năm" thuộc về nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh.
Năm nay, Cống hiến rất đặc biệt, bởi diễn ra trong bối cảnh của dịch COVID-19. Bởi vậy, các công đoạn của giải đều là online. Ngày 19/3, Ban Tổ chức đã gửi phiếu bầu online cho phóng viên ở Hà Nội và TP.HCM. Sáng 21/3, Ban Tổ chức đã kết thúc việc tiếp nhận phiếu bầu của phóng viên. Với tổng số phiếu hợp lệ là 90 phiếu, BTC đã chọn ra các đề cử được phiếu bầu cao nhất để trao giải.
Theo Quy chế của giải Âm nhạc Cống hiến, đề cử đoạt giải là đề cử có số phiếu bầu cao nhất trong từng hạng mục. Trường hợp trong cùng hạng mục có 2 đề cử có số phiếu bằng nhau, thì phiếu của BTC sẽ là lá phiếu quyết định.
Năm nay ở hạng mục "Chương trình của năm" (gồm 6 đề cử), đề cử "Truyện ngắn" của Hà Anh Tuấn và "Trở về" của Tân Nhàn có số phiếu bằng nhau (cùng 28 phiếu). "Truyện ngắn" của Hà Anh Tuấn là chương trình xuyên Việt, diễn ra tại Hội An, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các đêm diễn "Truyện ngắn" được xem là “cháy vé”, Hà Anh Tuấn với giọng hát truyền cảm, chân thành và nhất là trò chuyện, tương tác tạo nhiều lôi cuốn đối với khán giả, "Truyện ngắn" đã để lại ấn tượng tốt đẹp với công chúng âm nhạc.
Còn "Trở về" của Tân Nhàn diễn ra tại Hà Nội, với phần 2 của chương trình trình diễn các bài hát văn, xẩm, quan họ… với thành phần dàn nhạc mang tính “đương đại” và hát “chuẩn” như nghệ nhân dân gian pha trộn với kỹ thuật thanh nhạc châu Âu. Chương trình được đánh giá là nỗ lực tìm tòi phát triển âm nhạc cổ truyền của Tân Nhàn.
Cả 2 chương trình nói trên đều xứng đáng đoạt giải, nhưng BTC đã chọn "Trở về" của Tân Nhàn.
Việc 2 đề cử có phiếu bầu bằng nhau và phải dùng đến lá phiếu của Ban tổ chức để phân “thắng - thua” ở hạng mục Chương trình của năm năm nay cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 15 lần bầu chọn của giải Âm nhạc Cống hiến.
Kết quả đã có bằng một cách rất "đặc biệt" (online), và lễ trao giải năm nay cũng rất đặc biệt. BTC đã trao cúp “rải rác” cho 9 đề cử đoạt giải tại Văn phòng Báo Thể thao & Văn hóa tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, và cả ở cơ sở ngoài báo. Với tiêu chí cao nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người.
Dù cách tổ chức, bình chọn hay trao giải đều đặc biệt; nhưng kết quả vẫn là một mùa Cống hiến nữa đã thành công, trong chuỗi mùa Cống hiến đã lên tới con số 15 của báo Thể thao & Văn hóa. Nhận chiếc cúp vàng trên tay, cũng là lúc các nghệ sĩ càng thấy thêm trọng trách của mình, trong việc nỗ lực sáng tạo, hoạt động nghệ thuật, để cống hiến hơn nữa, cống hiến hết mình cho nền âm nhạc Việt Nam.
Kết quả bầu chọn giải Âm nhạc Cống hiến lần 15-2020
1. Nhà sản xuất của năm: Nhóm DTAP (Thịnh Kainz - Kata Trần - Tùng Cedrus).
2. Music video của năm: Để Mị nói cho mà nghe (Thể hiện: Hoàng Thùy Linh; ĐD: Nhu Đặng; Sáng tác: Thịnh Kainz - Kata Trần).
3. Bài hát của năm: Để Mị nói cho mà nghe (Sáng tác: Thịnh Kainz - Kata Trần; Thể hiện: Hoàng Thùy Linh).
4. Nghệ sĩ mới của năm: Amee.
5. Album của năm: Hoàng (Thể hiện: Hoàng Thùy Linh; Sáng tác: Thịnh Kainz - Kata Trần).
6. Chuỗi chương trình của năm: Lễ hội âm nhạc TP Hồ Chí Minh - Hò dô 2019 (Sở VH,TT TP Hồ Chí Minh).
7. Chương trình của năm: Trở về (Tân Nhàn).
8. Nhạc sĩ của năm: Phan Mạnh Quỳnh.
. Ca sĩ của năm: Hoàng Thùy Linh.