Những câu chuyện xúc động về tình yêu Hà Nội
Kể từ năm 2008, với sáng kiến của gia đình danh họa Bùi Xuân Phái và báo Thể thao&Văn hóa nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái và tiếp nối tình yêu của ông với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội được trao hàng năm cho các tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt đời sống Hà Nội, mang đậm tình yêu Hà Nội. Năm nay, giải được trao vào chiều 29/8 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
1.Tôi gặp Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả của “Đi dọc Hà Nội” và “Đi ngang Hà Nội”, hai cuốn sách đã mang lại cho anh Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội mùa giải thứ 5 ngay sau khi anh nhận được giải thưởng vinh dự này. Anh nói, viết về Hà Nội là nhu cầu tự thân. Sinh ra ở Hà Nội, ngày ngày đi làm qua Hồ Gươm (anh công tác ở Báo Hà Nội Mới), bao nhiêu con người anh đã gặp, bao nhiêu câu chuyện lý thú anh đã nghe, tại sao không viết lại. Nhiều đề tài về Hà Nội chưa ai viết hoặc viết nhưng chưa sâu, chẳng đi đến đầu đến đuôi như: Đĩ điếm ở Hà Hội, tư sản ở Hà Nội (một đề tài rất nhạy cảm), cô đầu ở Khâm Thiên, xẩm bờ hồ, xe đạp, ô tô đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội, ai là người làm ra đĩa than, thú chơi đĩa than ở Hà Nội như thế nào, … tất cả những điều này là cơ hội để anh viết. Vì thế, anh đã sưu tầm, khảo cứu, viết thành “Đi dọc Hà Nội” và “Đi ngang Hà Nội”. Anh viết về Hà Nội, dành cho Hà Hội mối quan tâm đặc biệt ấy cũng bởi tình yêu với Hà Nội, tình yêu thầm kín mà anh “không thể nói thành lời” bởi nếu gọi tên ra thì chẳng phải quá khiên cưỡng hay sao, hơn nữa tình yêu ấy đặc biệt nên không cần nói ra, chỉ biết rằng đi đâu xa Hà Nội dù chỉ thời gian ngắn thôi là anh đã thấy nhớ và muốn quay về.
Một trong những bức ảnh chụp về Hà Nội của nhà ngoại giao Anh John Ramsden. |
Nghe câu chuyện của anh lúc Hà Nội đã vào thu như lúc này ở một quán café cạnh Hồ Gươm, tôi nhận ra, những thứ nhiều người vốn cho là cao siêu (nhất là những thứ thuộc về hoặc có giải thưởng) đơn giản thật. Tình yêu ấy nếu nói là vĩ đại cũng chẳng sai, nhưng trên hết nó là tình cảm thật sự mà những người quan tâm đến Hà Nội dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
2.Năm nay, giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội đã bước vào mùa thứ 6 và những câu chuyện về tình yêu Hà Nội như Nguyễn Ngọc Tiến cũng vẫn bình dị, thầm lặng nhưng nồng đậm không kém như thế, chỉ có điều mỗi người đến với Hà Nội bằng những cách khác nhau. Nhưng có một câu chuyện khiến cho không ít người cảm động là câu chuyện về nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Nổi danh là nhiếp ảnh gia gắn với cuộc sống đời thường của Hà Nội, gắn bó với Hồ Gươm, với những gánh hàng rong…, ông đã có hàng ngàn bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao được giới thiệu trong triển lãm “Hoa rơi trên mặt hồ” và cuốn sách song ngữ “Dạo quanh Hồ Gươm”. Trong những ngày Hồ Gươm biến thành sông vừa qua, lão nhiếp ảnh 81 tuổi (ông sinh năm 1932), từng trải qua cơn tai biến này lại chống gậy bì bõm lội ra tận Hồ Gươm để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ ấy. Điều này có thể nói là gì nếu không phải xuất phát từ niềm say nghề và tình riêng dành cho Hà Nội sự quan tâm đặc biệt.
Điều này cũng có thể nói đến với nhà ngoại giao Anh, John Ramsden, khi John Ramsden khiến người ta phải ngạc nhiên về số lượng ảnh khổng lổ ông đã chụp trong thời gian làm Phó đoàn Ngoại giao của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. 1.700 bức ảnh ông chụp những mái phố cổ lô xô, những con đường vắng vẻ bình lặng ở Hà Nội trước đó đã được triển lãm nhiều nơi ở châu Âu. Giờ đây sau 30 năm, những bức ảnh này mới được John mang trở lại Hà Nội. Những bức ảnh ấy của ông khiến nhiều người Hà Nội phải ngỡ ngàng và nể trọng tình cảm của ông dành cho Hà Nội,…
Câu chuyện nữa khiến nhiều người cảm động là chuyện về tiến sĩ người Nhật Nishimura Masanari cùng nhóm “Tìm lại cội nguồn của làng” (gồm ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Việt Hồng, Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Tiến Cung, Nguyễn Văn Lanh) sưu tập, gìn giữ các hiện vật vô giá, chung tay xây dựng một bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là bảo tàng khảo cổ học cộng đồng vô cùng độc đáo, góp phần khắc họa lịch sử một làng gốm cổ có niên đại hàng trăm năm. Nhưng Tiến sĩ Nishimura đã đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông và theo nguyện vọng của gia đình, thi hài của ông được đưa về an táng tại làng Kim Lan, nơi ông coi là quê hương thứ hai của mình.
3.Trên đây mới chỉ là một vài câu chuyện trong nhiều câu chuyện thật cảm động từ giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội. Chính điều này đã khiến cho giải thưởng mang nhiều ý nghĩa và ngày càng lan tỏa. Và trên hết, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, dù là người con của Hà thành hay của bất cứ vùng quê nào khác thì tình yêu dành cho Hà Nội của họ thật đáng trân trọng. Nhưng quan trọng hơn cả, với họ, tình yêu ấy không ồn ào, không phô trương, bởi nếu giả sử không có giải thưởng này thì họ cũng vẫn cống hiến, vẫn dành cho Hà Nội sự quan tâm sâu sắc ấy. Cũng vì thế mà mối tình sâu nặng với đất và người ấy như ngọn lửa, bền bỉ vô cùng và cũng mạnh mẽ vô cùng.
Hoàng Linh