Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2016). Hội thảo quy tụ đông đảo chư tôn đức hàng giáo phẩm cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo thọ, giảng sư, nhà nghiên cứu Phật học, nhà giáo, nhà khoa học.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng bàn về những giá trị của giáo dục Phật giáo truyền thống; đánh giá toàn diện thực trạng của giáo dục Phật giáo Việt Nam, từ đó xác định đường hướng, mục tiêu đúng đắn và phương pháp, biện pháp thực hiện có tính khả thi cho giáo dục Phật giáo, xây dựng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
Các chức sắc, các nhà nghiên cứu, học giả cho rằng đối với mỗi tôn giáo, giáo dục luôn được quan tâm hàng đầu. Giáo dục trong tôn giáo nhằm đào tạo đội ngũ tu sỹ, chức sắc, tín đồ để phục vụ cho công cuộc khai mở, củng cố và bảo vệ chân chính niềm tin tôn giáo, hướng con người đến cuộc sống chân – thiện – mỹ. Mỗi tôn giáo có hệ thống giáo dục đào tạo riêng và những mục đích, phương hướng, chương trình giáo dục cụ thể. Phật giáo Việt Nam 2000 năm nay đã thực sự thể hiện bản chất tốt đẹp của mình trong dòng phát triển của lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như cho chính bản thân mình. Phật giáo luôn tìm cách phát huy tính ưu việt thông qua nền giáo dục Phật giáo. Thời đại nào kết hợp được những tinh hoa nội dung giáo lý nhà Phật vào cuộc sống thì thời đại đó hưng thịnh.
Nhìn lại công tác giáo dục của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, từ năm 1930, công tác hình thành hệ thống giáo dục đã được thành lập, mang tính tự phát theo đặc thù của dân tộc. Hơn 85 năm hình thành và phát triển, giáo dục Phật giáo đã đi đến mức độ hoàn chỉnh và hệ thống hóa toàn diện từ hình thức đến nội dung Kinh, Luật, Luận Nam Bắc truyền, nhất là trong giai đoạn tiếp cận, hội nhập quốc tế, hệ thống giáo dục Phật giáo cấp đại học, cao đẳng luôn luôn tự hoàn thiện và tìm tòi, kết thân với các môi trường giáo dục khác. Hiện cả nước có 34 trường trung cấp Phật học, 3 Học viện Phật giáo, đã và đang đào tạo cho trên 26.000 tăng, ni sinh.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục tăng ni Trung ương, giáo dục Phật giáo cho tăng, ni đã hoàn thiện từ cấp cơ sở, trung cấp Phật học, đến bậc đại học và khung chương trình đào tạo sau đại học, tạo nguồn lực tăng ni hùng hậu, có đủ đạo hạnh và trí tuệ. Thành tựu của nền giáo dục Phật giáo học đường đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua 35 năm trưởng thành và phát triển, để Giáo hội Phật giáo Việt Nam bước những bước đi vững chắc làm tốt đạo, đẹp đời, xiển dương sự nghiệp hoằng pháp, đem ánh sáng giáo lý phục vụ đời sống nhân sinh, cùng chung tay xây dựng quê hương đất nước.
Tuy nhiên, các ý kiến nhìn nhận trong giai đoạn hiện nay, Phật giáo cần thể hiện vai trò, chức năng và nhiệm vụ trọng yếu của mình để góp phần vào dòng phát triển của nhân loại. Trong bối cảnh cải cách giáo dục ở Việt Nam, Phật giáo cần thực hiện và xây dựng một nền giáo dục hiện đại, trong đó nội dung và phương pháp giáo dục phải bao gồm tính phát triển sáng tạo. Giáo dục cần chú trọng đến việc tạo điều kiện cho người học tự khai mở, trau dồi và suy tư tìm kiếm, tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng.
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng muốn xây dựng nền giáo dục phải có tư duy đúng đắn, có đường lối, xác định được cơ bản mục tiêu của nền giáo dục Phật giáo, đồng thời có phương pháp đào tạo theo đường lối khoa học phù hợp với thời đại. Các tiêu chí cải cách giáo dục Phật giáo là tính hệ thống, tính giáo khoa, tính phương pháp, tính tương tục thời gian đào tạo, tính liên thông, tính hiện đại và nên quy định về đào tạo liên tỉnh hoặc khu vực.
Giáo dục Phật giáo là việc rất quan trọng trong tổ chức Phật giáo, cần luôn được sửa đổi và bổ sung theo thời gian để đáp ứng và thích nghi với nhu cầu đặt ra của thời đại, nhằm bảo đảm cho sự phát triển của nhân loại. Bên cạnh đó, phản ánh, thể hiện được phương châm hành động của tổ chức Phật giáo, làm sáng tỏ mục tiêu, đường hướng và kỳ vọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai.