Tại buổi biểu diễn, các chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể ở các nước đã được nghe những nghệ nhân kế cận và lớp Xoan cộng đồng của các phường Xoan: Phù Đức, Kim Đái, Thét biểu diễn một số tiết mục Xoan lời cổ như: Giáo Trống - Giáo Pháo, Tứ dân cách, Đối rẫy cách, Xin huê đố chữ, Bỏ bộ, Mó cá... Các màn trình diễn độc đáo đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với các chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể của các nước Đông Nam Á.
Trong thời gian qua, các hoạt động bảo tồn hát Xoan ở Phú Thọ được thực hiện với tầm nhìn có tính chiến lược như: Sự tham gia của cộng đồng trong việc kiểm kê, nhận diện những bài bản cốt lõi của hát Xoan; hỗ trợ khẩn cấp việc trao truyền từ các nghệ nhân cao tuổi điều hành các phường Xoan và chủ động tổ chức các lớp truyền dạy cho con em của họ; củng cố 4 phường Xoan gốc, tăng nhanh số lượng người nắm vững hát Xoan gốc và lớp khán giả của hát Xoan; phục dựng, tu bổ, tôn tạo và đưa vào sử dụng 19 di tích liên quan tới hát Xoan. Bên cạnh đó, Phú Thọ đã đi tiên phong trong việc xây dựng đề án bảo tồn hát Xoan, đề ra chính sách tôn vinh và hỗ trợ nghệ nhân ở các phường Xoan; đồng thời, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho Nhà nước ban hành các chính sách, phê duyệt các đề án, dự án bảo vệ và nhanh chóng đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp...