Chỉ trong vòng 14 năm, diện tích của một di tích quốc gia đã bị mất đi 26.185 m2, là sự xâm phạm nghiêm trọng đến di tích. Để bảo vệ thành cổ Luy Lâu, Sở VH, TT & DL Bắc Ninh đã có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, đề nghị quy hoạch tổng thể khu di tích để bảo tồn, tránh bị xâm hại.
Người dân canh tác và xây mộ kiên cố trong khu di tích thành cổ Luy Lâu. |
Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Sở VH, TT & DL Bắc Ninh, cho biết: Ngay sau khi nhận được báo cáo khảo sát của Ban quản lý di tích Bắc Ninh về hiện trạng di tích, ngày 3/6/2013, Sở VH, TT & DL đã có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, đề nghị UBND tỉnh cho phép lập quy hoạch tổng thể và cắm mốc giới khu di tích thành cổ Luy Lâu, nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích này. Công văn nêu rõ: “Qua khảo sát cho thấy, trong những năm qua, thành cổ Luy Lâu đã bị xâm phạm nghiêm trọng vào khu vực bảo vệ, với diện tích 26.185 m2. Một số thửa đất trong khu vực thành cổ đã được UBND xã Thanh Khương giao ổn định cho các hộ canh tác (diện tích khoảng 40.000 m2). Ngoài ra, địa phương đã đặt mộ an táng, xây cất khoảng hơn 100 mộ trong khu vực nội tự thành cổ. Nhìn chung, các di tích trong thành bị xuống cấp, nhiều đoạn tường thành bị vùi lấp và hư hại do quá trình cư trú, canh tác, sản xuất của nhân dân địa phương”.
Theo ông Phong, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng xâm hại di tích là do sự phân cấp quản lý di tích còn nhiều bất cập. Theo ông Phong, trong Quyết định số 143/2008/QĐ-UBND, ngày 6/10/2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành về việc “Quy chế quản lý và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bắc Ninh”, ở mục 2, điều 19 của Quyết định 143 ghi rõ, UBND cấp huyện quản lý và sử dụng các di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh trên địa bàn lãnh thổ, có trách nhiệm ngăn ngừa, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật về di tích. Và ở mục 3, điều 19 quy định, UBND cấp xã trực tiếp quản lý, sử dụng các di tích trên địa bàn theo phân cấp quản lý; tiếp nhận khai báo về di tích để chuyển cơ quan cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Tổ chức bảo vệ, bảo quản di tích, cổ vật của di tích trên địa bàn mình, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi xâm phạm huỷ hoại đến di tích…
Căn cứ theo quyết định này, thì UBND huyện Thuận Thành và UBND xã Thanh Khương là đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng di tích thành cổ Luy Lâu, còn Sở VH, TT & DL chỉ có chức năng hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc. Tuy nhiên, thực tế ở Luy Lâu đã cho thấy, huyện Thuận Thành và xã Thanh Khương chưa làm tốt công tác bảo vệ di tích, và việc phân cấp như vậy là chưa phù hợp, cần phải có sửa đổi. Để có thể quản lý di tích tốt hơn, tới đây Sở sẽ đề nghị UBND tỉnh sửa đổi Quyết định 143, theo hướng những di tích cấp quốc gia, di tích đặc biệt quan trọng sẽ do tỉnh trực tiếp quản lý.
Về hướng giải quyết diện tích đất được cho là “đã bị xâm phạm nghiêm trọng” ở thành cổ Luy Lâu, ông Phong cho hay, Sở sẽ tham mưu tỉnh lập đề án quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích thành cổ Luy Lâu, từng bước xây dựng các dự án bảo tồn tôn tạo cụ thể, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm, cấp bách như đo đạc lại và xác định rõ khu vực đất đai khoanh vùng di tích thành Luy Lâu; cắm mốc giới khu vực đất đai bảo vệ di tích; ngăn chặn mọi hành vi lấn chiếm di tích, đồng thời từng bước khắc phục tình trạng xâm lấn di tích, không để người dân an táng mộ vào khu vực đất của di tích…
Về lâu dài, bên cạnh việc từng bước tu bổ, khôi phục một số di tích tiêu biểu thuộc thành Luy Lâu, cần tiếp tục xúc tiến các chương trình nghiên cứu, đặc biệt là các cuộc khai quật khảo cổ học, nhằm nghiên cứu toàn diện về thành Luy Lâu, nhất là các di tích nằm trong khu vực thành để có phương án bảo tồn phù hợp. Cần quy hoạch nghĩa trang nhân dân thôn Lũng Khê nhằm di chuyển các mộ táng ra khỏi khu vực bảo vệ; có chính sách hỗ trợ người dân đã được giao quyền sử dụng đất trong khu vực thành…
Ông Phong cũng cho biết thêm, Sở VH, TT & DL đang đề nghị tỉnh lập quy hoạch tất cả các khu vực khảo cổ ở Bắc Ninh, trong đó, đề xuất năm 2014 tập trung vào thành cổ Luy Lâu. Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận, với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của Luy Lâu, với hiện trạng xuống cấp và xâm lấn hiện nay của di tích, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Luy Lâu là công việc khó khăn, phức tạp, rất cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, đồng thời huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân địa phương, nâng cao ý thức bảo tồn di sản của người dân trong vùng… như vậy mới có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích này.
Bài và ảnh: Phương Hà