“Giữ lửa” nghề
Từ cuối tháng 4, khi dịch COVID-19 tái phát, bà Nguyễn Thị Ngoan và các ca nương, kép đàn của Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) không thể đi biểu diễn, việc luyện tập tập trung cũng không thể thực hiện. Ca trù là thể loại âm nhạc khó cho người hát, kén cả người nghe, nếu không luyện tập thường xuyên sẽ không thể hát tốt. Vì thế, bà phải thường xuyên luyện tập tại nhà, những bài hát đã học luyện lại cho hay, bài khó nhờ nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu hướng dẫn.
Riêng trong thời gian gần 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, không thể nhờ người hướng dẫn, bà buộc phải tự tập là chính. Mỗi ngày, khi việc nhà đã xong xuôi, bà dành ra hai giờ đồng hồ để tập hát, luyện lấy hơi, nhả chữ, học những bài hát cổ. Bà đang học bài “Thiên Thai” là bài hát khó nhất của ca trù. Sau đó, bà tiếp tục học các bài “Tỳ bà hành”, “Thét nhạc”, “Dịp ba Cung bắc”, “Ả phiền”… và những làn điệu hát nói, hát miễu.
“Cái nghề này thấm vào máu nên dù mọi người không đón nhận nhiều như các thể loại âm nhạc hiện đại, tôi vẫn cố theo nghề, giữ lấy giá trị truyền thống của thôn làng. Dù thời gian này không được đi biểu diễn, không được sinh hoạt cùng mọi người trong câu lạc bộ nhưng bằng nhiều cách, mình vẫn phải gắn bó, gìn giữ lấy nghề”, bà Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ. Bà Ngoan cho hay, mong muốn lớn nhất của bà và thành viên trong Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn là dịch bệnh sớm kết thúc để mọi người cùng sinh hoạt, luyện tập và được đi biểu diễn cho nhân dân thưởng thức.
Dịp này, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược, Câu lạc bộ dân ca Xa Mạc (huyện Mê Linh) không có nhiều thời gian rảnh rỗi vì ông thường xuyên luyện tập hát chèo, nghiên cứu, giao lưu với các câu lạc bộ bạn. Không chỉ thôn Xa Mạc mà cả xã Xa Mạc đều biết đến ông là người có công lớn trong việc phục hồi, lưu giữ làn điệu dân ca truyền thống của quê hương. Bởi vậy, ông tự cho mình phải có trách nhiệm trong việc gìn giữ, truyền dạy, quảng bá vốn quý âm nhạc của thôn làng đến với đông đảo nhân dân. Thỉnh thoảng, ông lại lên mạng xã hội livestream hát làn điệu chèo, mang niềm vui đến cho mọi người trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Ông thiết lập các hội nhóm qua mạng xã hội facebook, zalo để thành viên trao đổi, trò chuyện về hoạt động của Câu lạc bộ hay các vấn đề chuyên môn. Ông còn thường xuyên giao lưu với Câu lạc bộ dân ca và chèo toàn quốc, Câu lạc bộ chèo Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), Câu lạc bộ chèo đất Tổ Hùng Vương… theo hình thức trực tuyến.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược chia sẻ: Nếu không luyện tập, giao lưu trong thời gian này, không chỉ khả năng hát dân ca của mình không được tốt mà sự gắn kết của mọi người trong Câu lạc bộ sẽ lỏng lẻo.
Với các nghệ sĩ "chân đất”, tình yêu với nghệ thuật truyền thống được ví như lẽ sống của họ. Gìn giữ di sản, truyền dạy cho thế hệ trẻ, tìm mọi cách duy trì hoạt động của câu lạc bộ hay tích cực tổ chức, tham gia các hoạt động biểu diễn, đó không chỉ là trách nhiệm mà là niềm đam mê của họ. Bởi vậy, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, các nghệ sĩ vẫn “giữ lửa” nghề và chuẩn bị điều kiện khởi động lại hoạt động khi dịch bệnh được khống chế.
Vẫn còn nỗi niềm
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Trưởng nhóm xẩm Hà Thành chia sẻ, từ khi nghỉ biểu diễn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị và các thành viên trong nhóm cảm thấy trống vắng vì thiếu khán giả, thiếu sân khấu. Hay nói cách khác, họ đang thiếu chất xúc tác để được thăng hoa với khán giả. Bởi nghệ sĩ luôn cần tương tác, được chia sẻ niềm vui, thành quả luyện tập với khán giả. Dù việc luyện tập, sáng tạo ở nhà vẫn thường xuyên được duy trì nhưng các chị vẫn nhớ ánh đèn, nhớ những gương mặt rạng rỡ của khán giả khi đón xem buổi biểu diễn của nhóm.
Khác với nghệ sĩ hoạt động trong đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, những nghệ sĩ không chuyên thường hoạt động trong các nhóm, câu lạc bộ, do vậy họ gặp không ít khó khăn và thiệt thòi khi tự mình lo trang trải cuộc sống. Nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 gây ra nhiều hệ luỵ như hiện nay, các nghệ sĩ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tính từ đầu đợt dịch lần thứ 4, thời gian tạm dừng biểu diễn của họ kéo dài tới gần 5 tháng và chưa biết tới khi nào mới được tiếp tục biểu diễn.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho rằng, nhóm của chị cũng như nhiều nhóm khác đều hình thành trên tinh thần tự nguyện và tình yêu nghệ thuật truyền thống nên tự hoạt động, tự chi trả kinh phí theo tinh thần xã hội hóa. Vì vậy, vấn đề kinh phí hoạt động vốn rất khó khăn nay càng khó khăn hơn. Với các nghệ sĩ tại đơn vị chuyên nghiệp dù sao cũng được sự hỗ trợ của Nhà nước, không nhiều nhưng cũng động viên tinh thần họ. Các nhóm như Nhóm xẩm Hà Thành cũng có những thiệt thòi nhất định. Trước tình hình đó, anh chị em động viên nhau để vững vàng vượt qua đại dịch, sống lạc quan hơn.
Dù có khó khăn, mọi người vẫn luôn giữ tình yêu với môn nghệ thuật truyền thống và đang mong chờ ngày kiểm soát được dịch bệnh. Khi đó, họ có cơ hội thể hiện niềm đam mê, mang những làn điệu nghệ thuật truyền thống phục vụ khán khả Thủ đô.