Gốm cổ Bình Định – Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long – Đại Việt (thế kỷ 11 – 15)

Ngày 28/10, tại thành phố Quy Nhơn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ 11 - 15)”.

Hội thảo thu hút đông đảo các học giả, nghiên cứu sinh trong nước và các quốc gia Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Philippines và Brunei tham dự, trao đổi những phát hiện, nghiên cứu về gốm cổ tại Bình Định và mối quan hệ của Vương quốc Vijaya xưa với kinh đô Thăng Long của Đại Việt.

Những hiện vật mang dấu ấn văn hóa Champa được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Ảnh: Quỳnh Anh

Bình Định là vùng đất kinh đô Vijaya của Vương quốc cổ Champa, từng có lịch sử phát triển rực rỡ trong lịch sử cổ trung đại Đông Nam Á. Từ thế kỷ 11 - 15, kinh đô Vijaya đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng nhất của Vương quốc Champa.

Trước đó, từ thế kỷ 10 - 13, vương triều Vijaya đã cho xây dựng tại Bình Định nhiều tòa thành có quy mô to lớn như thành Cha, thành Đồ Bàn, thành Thi Nại gắn liền với thương cảng Thị Nại nổi tiếng trong lịch sử ngoại thương Champa. Bên trong các tòa thành đó, vương triều Vijaya đã cho xây dựng hệ thống đến tháp có quy mô to lớn mà nhiều cụm tháp chính trong số đó vẫn tồn tại đến ngày nay. Tiêu biểu như tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, tháp Thủ Thiện, tháp Đôi, tháp Bánh Ít… Trong đó, tháp Dương Long là tòa tháp gạch cổ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Hệ thống di tích cổ Champa còn lưu giữ trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày nay là những phần còn lại của di sản văn hóa Champa, mang tính toàn diện, độc đáo và phản ánh những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của di sản văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam.

Bình Định còn được biết đến là một trung tâm gốm cổ với 6 lò sản xuất gốm tập trung trong thời đại vương triều Vijaya. Những phát hiện về gốm cổ tại Bình Định từ năm 1974 đến nay nằm dọc theo bờ sông Kôn vẫn còn quá nhiều bí ẩn chưa được giải mã. Gốm cổ Bình Định cũng đã được tìm thấy tại nhiều nơi trên thế giới, từ Indonesia, Brunei cho đến Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…

Hàng loạt những khảo cổ học trong và ngoài nước đã chứng minh gốm Bình Định không chỉ được sản xuất cho thị trường trong nước mà còn tham gia vào con đường thương mại quốc tế, đã có mặt ở nhiều nước, trải dài từ Đông Nam Á tới vùng Trung Cận Đông xa xôi trong bối cảnh cùng với gốm Đại Việt, gốm Thái Lan đến với phần lớn các nước Hồi giáo giàu có. Tuy nhiên, các học giả nước ngoài cũng như các nhà sưu tập dường như không có ý niệm về gốm Bình Định, phần nhiều cho rằng đó là gốm Trung Hoa.

Di chỉ gốm Gò Sành tại Bình Định được phát hiện với những hiện vật gốm men từ năm 1974; nhưng vấn đề niên đại và chủ nhân của gốm Bình Định là vấn đề luận bàn chưa ngã ngũ. Có 3 giả thiết về chủ nhân gốm cổ Bình Định, có thể là người Hoa, hoặc người Chăm, hoặc người Việt. Gần đây, gốm cổ Bình Định đã thực sự thu hút sự quan tâm của học giả trong nước và quốc tế. Và, mối quan hệ giữa vương quốc Vijaya với Thăng Long của Đại Việt xưa như thế nào bắt đầu hé lộ những thông tin thông qua hiện vật, di chỉ gốm cổ được phát hiện.

Mới đây, trong tháng 10/2017, Viện nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cùng với Bảo tàng Bình Định đã khai quật di chỉ Gò Cây Me bên cạnh sông Kôn, thuộc thị xã An Nhơn. Hàng loạt các hiện vật đã được phát hiện và mang theo những thông điệp mới của lịch sử. Nhiều lò nung gốm tại đây được phát hiện là những lò nung lớn, tập trung và sản xuất ra nhiều loại hình sản phẩm gốm khác nhau. Trong đó có gốm Chăm, gốm Việt và có cả phong cách gốm Trung Hoa.

Kết quả khai quật tại các di chỉ Gò Cây Me phản ánh một lịch sử sản xuất gốm rất phát triển ở Bình Định trong giai đoạn cực thịnh của Vương triều Vijaya, đồng thời góp phần làm sáng rõ hơn diện mạo lịch sử, văn hóa Champa trên đất Bình Định xưa.

Phạm Kha (TTXVN)
Cần bảo tồn làng nghề gốm cổ của đồng bào M’Nông
Cần bảo tồn làng nghề gốm cổ của đồng bào M’Nông

Đồng bào dân tộc M’Nông ở xã vùng sâu Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) vốn có nghề làm gốm cổ. Nhưng vài năm trở lại đây, đồng bào không còn sản xuất gốm; làng nghề gốm cổ vì vậy có nguy cơ bị “xóa sổ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN