Hàng ngày, trong căn nhà nhỏ của gia đình nghệ nhân Minh Lời, phường 6, luôn có người ra, người vào. Họ là những học trò đủ mọi lứa tuổi ở khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Bến Tre tìm đến học thầy Minh Lời cách chơi đàn, cách ca giọng cổ. Các học viên luôn được thầy Minh Lời tận tình chỉ dẫn từ cách chơi từng loại đàn, cách nhấn nhá câu chữ, cách giữ nhịp đàn, nhịp ca…
Anh Nguyễn Công Trận, phường Phú Khương, trước đây chỉ chơi tân nhạc nhưng hơn 1 năm gần đây đã tìm đến nghệ nhân Minh Lời học đờn ca tài tử để biết thêm về loại hình nhạc truyền thống của quê hương miền Tây Nam Bộ. Mỗi tuần 3 buổi anh lại đến căn nhà nhỏ của nghệ nhân Minh Lời để được chỉ dạy cách đàn cổ từ những bài bản nhỏ, những bài bản vắn và những bài bản lớn.
Nghệ nhân Minh Lời đang dạy học trò sử dụng đàn tranh. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN |
“Thời gian qua tôi học được của thầy Minh Lời nhiều về cổ nhạc cũng như đối nhân xử thế. Tôi muốn học khóa đàn cổ 20 bài bản tổ và hiện đã học hết những bài nhỏ. Những bài bản vắn và bài bản lớn đang học. Tôi muốn tìm hiểu thêm loại hình âm nhạc của dân tộc mình và tiếp thu để truyền đạt lại cho thế hệ sau này”, anh Nguyễn Công Trận chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình truyền thống nghệ thuật, cái duyên, cái nghiệp và lòng đam mê vô tận đối với những cung bậc trầm bổng của tiếng đàn kìm, đàn bầu, đàn tranh… hòa nhịp cùng những làn điệu Bắc, Hạ, Xuân, Ai, Oán… đã “thấm” vào tim nghệ nhân Minh Lời. Từ năm 15 tuổi nghệ nhân Minh Lời đã được cha truyền dạy đờn ca tài tử, năm 17 tuổi ông có thể phụ cha dạy học trò. Cứ thế, cuộc đời nghệ nhân Minh Lời đi theo con đường nghệ thuật đờn ca tài tử như một lẽ tự nhiên. Ông sử dụng thành thạo nhiều loại đàn: ghi-ta phím lõm, tranh, bầu, sến, kìm, cò, violon. Những ai có dịp thưởng thức và lắng lòng trước phần trình diễn của ông, nhất là những bài độc tấu nhạc cụ hẳn sẽ cảm nhận được “cái thần” trong tiếng đàn và cả sắc thái của ông. Mỗi khi chạm tay vào những dây đàn, ông gần như gửi cả tâm hồn mình vào đó, bay bổng, xuất thần.
Nghệ nhân Nguyễn Minh Lời tâm sự: “Nghệ thuật đờn ca là nghệ thuật dung dưỡng tâm hồn con người. Muốn đờn thì cũng phải nắn nót cho tiếng đờn hay, âm thanh đẹp, nhịp nhàng thì mới diễn tả được nhịp điệu, nhất là trong 20 bài bản tổ. Nghệ thuật đờn ca tài tử giúp bản thân người đờn, người ca hướng về chân - thiện - mỹ”.
Tuy đã có tuổi nhưng nghệ nhân Minh Lời không nghỉ ngơi mà dành thời gian dạy học trò, hỗ trợ Đoàn Cải lương Bến Tre, tham gia một số sự kiện văn hóa trong tỉnh và dành thời gian tiếp tục nghiên cứu viết bài bản tài tử lời mới để duy trì nền đờn ca tài tử của quê hương. Nhiều thế hệ tài tử đờn, tài tử ca, nghệ sĩ sân khấu cải lương chuyên nghiệp, nhiều nhạc công nhạc cụ dân tộc đã được ông đào tạo.
Nghệ nhân Nguyễn Minh Lời chia sẻ: “Khi UNESCO công nhận đờn ca tài tử là văn hóa phi vật thể của nhân loại, bản thân tôi rất vui mừng. Đây là một động lực để tôi luôn cố gắng dạy học trò, truyền lại cho thế hệ trẻ sau này tiếp nối”.
Gần 50 năm theo nghiệp đờn ca tài tử, nghệ nhân Minh Lời đã có nhiều sáng tác được xuất bản thành sách như cuốn: Bản đàn cổ nhạc và bài ca mới, Bài bản sân khấu cải lương và Nam Bộ... Những sáng tác của ông vừa thấm đậm tình nghệ sĩ với nghệ thuật truyền thống dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại với niềm tin vào cuộc sống, ca ngợi lãnh tụ, sự hăng hái bảo vệ Tổ quốc cũng như quá trình phát triển quê hương. Tác phẩm của ông được yêu thích sử dụng và phổ biến nhiều trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh. Với những đóng góp không mệt mỏi dành cho nghệ thuật đờn ca tài tử, năm 2015, nghệ nhân Minh Lời vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
“Nghệ nhân ưu tú Minh Lời là rường cột trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông góp phần quan trọng cho việc xây dựng lực lượng kế thừa, tạo sức lan tỏa của nghệ thuật đờn ca tài tử nói riêng, nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung”, bà Nguyễn Thị Kiều Tôn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, đánh giá.