Hình thành những giá trị mới
Những ngày này, Hà Nội đang sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành phố được trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Trong bầu không khí ấy, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn ý thức về trách nhiệm, những việc làm sắp tới, để gìn giữ danh hiệu cao quý, xứng danh với vị thế mà thế giới tôn vinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần xây dựng các chương trình, kế hoạch không chỉ tuyên truyền cho danh hiệu này, mà còn tổ chức thực hiện để đảm bảo an ninh, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, văn hóa… Đây chính là cách thiết thực để tôn vinh danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".
Với góc độ là cơ quan quản lý văn hóa, bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, để tiếp tục giữ vững và khẳng định vị thế "Thành phố vì hòa bình", Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh, tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động tham gia và nắm bắt cơ hội thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Hà Nội cũng phát triển thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo…; phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch, nhất là với thủ đô các nước, các tập đoàn lớn, xuyên quốc gia... để phát huy hơn nữa những giá trị của "Thành phố vì hòa bình".
Trong lĩnh vực văn hóa, Hà Nội tiếp tục khẳng định là trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, tiếp thu và chắt lọc những luồng văn hóa hiện đại bên cạnh việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa được chú trọng, các giá trị văn hóa phi vật thể được gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai rộng khắp, tạo thành phong trào lớn cho từng cá nhân, gia đình, xóm làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi người dân là một sứ giả hòa bình khi nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Xây dựng thành phố sáng tạo
Một lần nữa, Hà Nội vinh dự được UNESCO lựa chọn, giới thiệu, xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố sáng tạo đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Trên cơ sở phát huy danh hiệu Thành phố vì hòa bình, Hà Nội sẽ xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố sáng tạo.
Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội như tên gọi ban đầu “Thăng Long” đã mang theo khát vọng của một dân tộc luôn vươn lên bằng sự sáng tạo. Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội được coi là thành phố của sự đa dạng văn hóa, cùng cộng đồng sáng tạo và các không gian sáng tạo. Hà Nội đã và đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo. Thiết kế sáng tạo có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc nhiều lớp lịch sử đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Người Hà Nội luôn được biết đến như những cá nhân cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới. Đây là nguồn lực quan trọng của Hà Nội trong kết nối quốc tế.
Trong những năm qua, thành phố đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt với các thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO bao gồm Berlin, Seoul, Kobe, Singapore… Nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, thành phố sẽ thêm một lần nữa hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng sáng tạo mang tên Thăng Long từ ngàn năm trước.
Ba chủ đề cốt lõi Hà Nội cần tập trung hướng tới để trở thành Thành phố sáng tạo, đó là: Tái tạo đô thị, giáo dục toàn diện và tổ chức các sự kiện văn hóa. Khu đô thị thông minh Đông Anh, phố đi bộ, trung tâm triển lãm quốc gia, không gian văn hóa sáng tạo... hướng tới quảng bá kiến trúc, thiết kế, xây dựng thương hiệu Hà Nội như một thủ phủ sáng tạo của Đông Nam Á. Lĩnh vực giáo dục tập trung xây dựng các cơ sở giáo dục và học tập hàng đầu khu vực trên các lĩnh vực nhân văn, nghệ thuật, khoa học, thiết kế và công nghệ... Thông qua tổ chức triển lãm, biểu diễn, tuần lễ văn hóa nghệ thuật, tuần lễ phim, liên hoan âm nhạc... Hà Nội hướng tới trở thành tâm điểm các sự kiện văn hóa ở Đông Nam Á, vươn tầm châu lục.
Giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội tiến hành các khâu kết nối, xây dựng hồ sơ gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo, thể hiện cam kết, quyết tâm trong việc tạo bước đột phá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu trên trường quốc tế. Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội xây dựng hình ảnh một thành phố sáng tạo có tầm quốc tế; thực hiện các dự án tiêu điểm, kết hợp với các kế hoạch, dự án khác của thành phố thành chiến lược tổng thể.
Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông”, nơi hội tụ nét hào hoa, thanh lịch của vùng đất nghìn năm văn hiến. Cũng tại nơi này, một Thủ đô năng động, sáng tạo, một Thủ đô có những đóng góp không ngừng nghỉ cho hòa bình, đang là niềm tự hào của hàng triệu người dân Việt Nam; được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tôn vinh. Danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" mà Hà Nội được vinh danh trong 20 năm qua, sẽ là nền tảng tốt đẹp cho những bước tiến dài của Thủ đô trong việc đóng góp xây dựng quốc gia và thế giới hòa bình.