Hà Nội sẽ sớm có Phố sách

Sau thành công của Đường sách TP Hồ Chí Minh, với những nỗ lực nhằm tạo thêm một “điểm đến” cho người dân Thủ đô cũng như du khách khi đến Hà Nội, dự án “Phố sách Hà Nội” đã chính thức được Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khởi động.

Trong cuộc làm việc, trao đổi với Sở TT&TT  TP Hồ Chí Minh, dịp tháng 3 vừa qua, một trong những vấn đề được lãnh đạo Sở TT&TT đặc biệt quan tâm là kinh nghiệm tổ chức đường sách. Đích thân ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định: TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc thực hiện quy định của Nhà nước khi xây dựng đường sách. Công trình này ngoài việc tăng cường sự phát triển của ngành xuất bản, mở ra không gian thư giãn, văn hóa, còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, hình thành thêm một điểm sáng văn hóa - du lịch nâng cao dân trí, phục vụ cộng đồng. Vì vậy với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, Sở TT&TT Hà Nội mong muốn được học tập TP Hồ Chí Minh về công tác triển khai xây dựng, tổ chức điều hành hoạt động một đường sách đúng nghĩa.

Phố sách Xuân 2016 là “tiền đề” cho Phố sách Hà Nội sắp tới. Ảnh: BT

Trên cơ sở những chia sẻ của lãnh đạo Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội đã nỗ lực triển khai xây dựng Đề án Phố sách. Mới đây nhất, UBND  TP Hà Nội đã đánh giá cao đề án và giao Sở TT&TT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan hoàn thiện đề án. UBND TP Hà Nội cũng đưa ra 2 phương án để Sở TT&TT hoàn thiện.

Với phương án 1, sẽ xây dựng Phố sách cố định, hoạt động thường xuyên. Dự kiến sẽ chọn Phố 19-12 làm Phố sách; tận dụng diện tích dải phân cách, vỉa hè... cân nhắc thiết kế các hộp sách gắn tường. Phố sách phải đáp ứng các tiêu chí: Phù hợp với cảnh quan đô thị, có không gian văn hóa, diện tích dành cho độc giả, có các gian hàng sách gắn với các hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách và phục vụ các nhu cầu của nhân dân khi đến với Phố sách. Để triển khai Phố sách, Sở TT&TT cần phối hợp Công ty tư vấn, Công ty sách, nhà xuất bản thống nhất đề xuất thiết kế, tạo nét đặc trưng, phong cách riêng, gắn với nhận diện thương hiệu.

Với phương án 2, sẽ xây dựng Phố sách lưu động; với địa điểm kết hợp tổng thể không gian Hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ. Dự kiến sẽ gồm 2 khu vực: Khu vực cố định là các phố bán sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí hiện nay; được sắp xếp, tổ chức lại và thực hiện quản lý, đảm bảo không gian văn hóa, văn minh thương mại, cảnh quan đô thị.  Còn khu vực lưu động, sẽ kết hợp phố đi bộ, lấy không gian phố Lê Thạch, phố Lê Lai và không gian phía sau Tượng đài Lý Thái Tổ. Phố sách sẽ hoạt động vào những ngày cuối tuần, từ tối thứ sáu đến hết tối chủ nhật.

Để triển khai đề án Phố sách, UBND thành phố cũng giao UBND quận Hoàn Kiếm hỗ trợ Sở TT &TT. Cụ thể, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm làm việc, đối thoại với các đơn vị, hộ kinh doanh trên tuyến phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí để thống nhất, quán triệt về chủ trương triển khai tuyến phố đi bộ, Phố sách quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm; thiết kế, chỉnh trang các cửa hàng sách phù hợp với không gian Phố sách và cảnh quan xung quanh, kết nối Phố sách lưu động trên tuyến phố Lê Thạch, Lê Lai và khu vực phía sau Tượng đài Lý Thái Tổ… 

“Thời gian gần đây, đặc biệt là sau sự kiện thành phố mở Phố sách Xuân Bính Thân 2016, văn hóa đọc sách của người Hà Nội nâng cao; nhân dân đồng tình ủng hộ, đồng thời mong muốn có một Phố sách mang dấu ấn văn hóa đọc của người Hà Nội. Thành phố đã có một số phố bán sách, tuy nhiên mới chỉ là tự phát, việc tổ chức, quản lý chưa khoa học, chưa được sắp xếp, thiết kế cảnh quan riêng theo phong cách văn hóa. Vì vậy, việc xây dựng Phố sách để đẩy mạnh, nâng cao văn hóa đọc và là nơi ghi nhớ, phối hợp tổ chức các sự kiện, các ngày lễ lớn trong năm của thành phố là cần thiết”, đại diện Sở TT&TT Hà Nội chia sẻ.

Trước đó, đầu năm 2016, Đường sách TP Hồ Chí Minh đã chính thức khánh thành. Chỉ sau 6 tháng đi vào hoạt động, số lượng sách tiêu thụ là hơn 200.000 bản, đạt 15 tỉ đồng. Trong đó, 5 đơn vị có doanh thu hơn 1 tỉ đồng. Các đơn vị còn lại doanh thu từ gần 200 triệu đến hơn 500 triệu đồng. Nơi đây đã trở thành địa chỉ văn hóa, điểm đến của người yêu sách. Đồng thời, Đường sách không chỉ tập hợp số lượng đầu sách phong phú mà còn thường xuyên diễn ra những buổi giao lưu tác giả - tác phẩm, hàng loạt buổi triển lãm theo chủ đề… Thông qua việc hình thành đường sách, các đơn vị phát hành, xuất bản thuận lợi hơn trong việc quảng bá hình ảnh thương hiệu, đồng thời đến gần và hiểu rõ hơn sở thích, tâm tư của bạn đọc.

“Từ thành công của Đường sách TP Hồ Chí Minh,  có thể rút ra những kinh nghiệm để xây dựng một  phố sách giữa lòng Thủ đô. Theo đó, cần phải có sự chuẩn bị thận trọng ở các khâu. Quan trọng nhất là phải chọn đúng địa điểm, Phố sách - một không gian văn hóa phải đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và du khách. Kế đến cần huy động kinh phí xây dựng Phố sách từ nguồn vốn xã hội hóa của chính các nhà xuất bản, phát hành. Đẩy mạnh các nội dung để thu hút bạn đọc đến với Phố sách, đặc biệt là xây dựng được những chương trình hoạt động riêng, có tính tương tác để thu hút độc giả bởi đây không chỉ là nơi “bán sách” mà còn là không gian tôn vinh văn hóa đọc”, đại diện Sở TT &TT Hà Nội cho biết thêm. 
PV
Đường sách TP Hồ Chí Minh tiêu thụ 240.000 bản sách
Đường sách TP Hồ Chí Minh tiêu thụ 240.000 bản sách

Chỉ trong 6 tháng đi vào hoạt động, tổng doanh thu của 20 gian hàng tại Đường sách TP Hồ Chí Minh đã đạt 15 tỷ đồng với hơn 240.000 bản sách mới được tiêu thụ. Đây là động lực để đơn vị tổ chức tiếp tục hoàn thiện mô hình đặc sắc này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN