Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và Thành phố Hồ Chí Minh đã đoàn kết gắn bó, son sắt một lòng cùng cả nước vượt qua bao khó khăn, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội. Những năm qua, Thừa Thiên – Huế đã vững bước đi lên, đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội có tính lịch sử. Kinh tế địa phương dần phát triển và trở thành vùng kinh tế động lực của miền Trung.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo thảo luận, trao đổi để đánh giá, làm rõ một cách khách quan lịch sử vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế và mối quan hệ lịch sử của Hà Nội - Huế - Sài Gòn, qua đó có cách nhìn đúng đắn, khoa học và thực tiễn trong việc hoạch định chính sách bảo tồn, phát triển cho hiện tại, tương lai của tỉnh.
Hội thảo thu hút hơn 150 đại biểu đến từ ba thành phố kết nghĩa và các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử… Hội thảo cũng đã công bố 29 tham luận và 1 báo cáo đề dẫn tập trung vào ba chủ đề: “Hà Nội - Huế - Sài Gòn với sứ mệnh dân tộc trong quá trình lịch sử”, “Mối quan hệ Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong quá trình lịch sử” và “Những giá trị đặc trưng của ba đô thị văn hiến Hà Nội - Huế - Sài Gòn”.
Một số tham luận đáng chú ý như: “Thăng Long – Hà Nội không gian hội tụ và lan tỏa” của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam); “Huế trong dòng chảy lịch sử dân tộc và mối tương quan: Huế - Hà Nội - Sài Gòn” của Tiến sỹ Phan Thanh Hải (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế); “Giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa ba đô thị văn hiến: Hà Nội - Huế - Sài Gòn, lịch sử và hiện tại” của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bá Trình (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)…
Nhận xét về sứ mệnh lịch sử của ba đô thị văn hiến, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, trong tiến trình lịch sử Việt Nam từ Vương triều Lý đến Vương triều Nguyễn, bên cạnh Thăng Long – Hà Nội, Huế và Sài Gòn đều là những trụ cột quyết định thành công trong mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn mở cõi, định cõi, thống nhất đất nước, quốc gia dân tộc.
Là người có nhiều cơ hội tiếp xúc văn hóa ba miền đất nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bá Trình khẳng định, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa ba đô thị văn hiến trong lịch sử và hiện tại luôn đóng vai trò trụ cột trong mạch nguồn văn hiến của dân tộc Việt Nam. Trong muôn vàn những hình thái giao thoa, tiếp biến văn hóa của ba đô thị, nổi lên những biểu hiện về văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và hiền tài của dân tộc.
"Để giữ gìn sự giao thoa, tiếp biến văn hóa đó, cần nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ký kết; cụ thể hóa hơn các nội dung, lĩnh vực kết nghĩa giữa ba thành phố; xác định đúng vai trò, nhiệm vụ của mỗi đô thị đối với khu vực cũng như cả nước; mỗi đô thị phải tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong tiếp nhận tri thức khoa học, công nghệ để xây dựng thành thành phố thông minh", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bá Trình cho hay.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung vào hai chủ đề chính: Cội nguồn lịch sử và quan hệ ba đô thị văn hiến trước và sau Lễ kết nghĩa; đề xuất giải pháp hỗ trợ, hợp tác phát triển qua nghiên cứu các giá trị truyền thống và đặc điểm của ba đô thị văn hiến.
Tối 8/10/1960, Lễ kết nghĩa giữa ba thành phố lớn Hà Nội – Huế - Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội vào đúng dịp nơi đây kỷ niệm 950 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Việc ký kết có ý nghĩa chính trị sâu sắc, mở ra phong trào kết nghĩa giữa các địa phương hai miền Nam – Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kết tinh cao đẹp của sự đoàn kết giữa ba thành phố là thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta với Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Trong suốt 60 năm qua, Hà Nội - Huế - Sài Gòn ngày càng gắn bó keo sơn, tình nghĩa. Với bề dày lịch sử của ba trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước, chỉnh thể thống nhất của ba đô thị văn hiến này có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực tiễn; không những là xu thế khách quan của lịch sử, mà còn là tình cảm chính đáng của nhân dân ba miền, sức sống mãnh liệt của dân tộc và trở thành động lực phát triển đất nước.