Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh ngày 13 tháng 2 năm 1242 trong một gia đình ngư dân nghèo khó. Thân phụ của ông là cụ Phạm Hữu Hiệu, người làng Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc làm nghề chài lưới và thân mẫu là cụ Vũ Thị Duyên, người xã Tân An, huyện Thanh Hà, bán hàng nước ở bến đò. Mồ côi nha từ nhỏ, Phạm Hữu Thế phải sống rất vất vả nhưng có tài năng và chí khí khác thường, đặc biệt là tài bơi lội.
Chàng trai làng Hạ Bì đã được Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trọng dụng. Ông trở thành vị tướng Yết Kiêu trung thành, tài trí và mưu lược của Trần Hưng Đạo, lập nên nhiều công trạng hiển hách, đặc biệt có công lớn giúp nhà Trần chiến thắng giặc Nguyên Mông xâm lược, từng được các triều đại ban tặng nhiều sắc phong. Với những công lao to lớn của ông, sau khi ông mất (năm 1303), vua Trần cho dân Hạ Bì lập đền thờ và tôn ông làm Thành Hoàng làng.
Đền Quát được xây dựng thờ danh tướng Yết Kiêu. Ngôi đền nằm uy nghi tọa lạc trên khu đất rộng, nhìn ra sông Đĩnh Đào. Theo sử sách, đây là một ngôi đền linh thiêng bậc nhất của trấn Hải Dương xưa. Đền chính được thiết kế hình chữ Đinh, gồm tiền tế 7 gian, hậu cung 3 gian.
Trải qua hơn 700 năm lịch sử, đến nay, đền Quát vẫn còn lưu giữ một số cổ vật và hiện vật gắn với những câu chuyện về cuộc đời danh tướng Yết Kiêu. Có thể kể đến như: tượng trâu trắng và câu đối “Nhập thủy như bình địa” gắn với truyền thuyết về tài bơi lội của vị tướng Yết Kiêu; pho tượng phỗng đá quỳ gắn với câu chuyện Phạm Hữu Thế chiến thắng một đô vật lừng lẫy; tượng cáo thần gắn với tài trí, mưu lược hơn người của Yết Kiêu…
Lễ hội Đền Quát được tổ chức vào tháng Giêng và rằm Tháng Tám hàng năm và là lễ hội lớn nhất của huyện Gia Lộc đã được bảo tổn, gìn giữ qua 7 thế kỷ.
Năm nay, Lễ hội Đền Quát mùa thu diễn ra từ ngày 9-11/9 tức ngày 14-16 tháng Tám âm lịch. Sau hai năm lễ hội không tổ chức vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lễ hội năm nay thu hút đông đảo người dân tham gia. Cùng với nhân dân địa phương, còn có đoàn đại biểu xã Tân An, huyện Thanh Hà và phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội.
Nhằm khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, từ năm 2017, nhiều nghi lễ được nghiên cứu và khôi phục. Đó là: nghi lễ rước kiệu linh thiêng, thi cỗ hộp, hội thi bơi thuyền chải truyền thống, múa lân, rồng và một số trò chơi dân gian…
Bà Vũ Thị Viễn, năm nay 54 tuổi cho biết: “Với người dân quê tôi, đây là lễ hội rất lớn nên dù bận rộn gì, mọi người cũng cố gắng gác lại để tham gia. Riêng tôi, hầu như không năm nào tôi vắng mặt. Năm nào tôi cũng tham gia đội thuyền chải nữ của thôn dự hội bơi thuyền chải”.
Năm 2020, Lễ hội Đền Quát đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.