Tối 2/9, tại Hà Nội, Ban tổ chức quốc gia kỷ niệm các ngày lễ lớn trong 2 năm 2014 - 2015 tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh". Tiết mục nghệ thuật trong chương trình. Ảnh: TTXVN |
Đây là hoạt động văn hóa quy mô cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, khái quát một chặng đường lịch đấu tranh cách mạng cam go, quyết liệt để giành độc lập dân tộc; thể hiện tình cảm, đạo lý “Uống nước nhờ nguồn", tri ân các thế hệ cha anh đã trọn đời cống hiến hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.
Đến dự trình nghệ thuật đặc biệt này có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, Hà Nội và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Cùng dự còn có đồng chí Bounnhang Vorachit, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; bà Men Xom On, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật là bản hùng ca cách mạng - tái hiện chặng đường lịch sử 85 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh, đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Tiếp đó là cuộc trường chinh lịch sử 30 năm chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; 40 năm khôi phục tái thiết, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước, bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo và mở cửa hội nhập quốc tế.
Thông qua chương trình, người dân Việt Nam ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, các mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc - khẳng định vị thế, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất non sông, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng - xây dựng và phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa xã hội vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chương trình cũng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, biều dương tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, thể hiện niềm tin vững chắc với Đảng, khát vọng của tuổi trẻ trong công cuộc xây đựng đất nước, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần tứ XII của Đảng.
Chương trình nghệ thuật gồm 5 trường đoạn, kết cấu liên hoàn, xuyên suốt. Trong đó, trường đoạn đầu tiên mang tên "Việt Nam - Những đêm trường nô lệ", ngắn gọn, khái quát lại bức tranh năm tháng đất nước, nhân dân lầm than dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến.
Tiếp theo đó là trường đoạn khắc họa hình ảnh "Đảng là ngọn đuốc soi đường", tái hiện hoạt cảnh ngày đầu Bác Hồ về nước, đồng bào dân tộc đón Bác và sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Phần này được thể hiện thông qua màn hát múa “Kể chuyện người cộng sản”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, kết hợp với ngôn ngữ kịch nói, phim tư liệu.
Trường đoạn 3 có tựa đề "Những chặng đường cách mạng vẻ vang" gồm liên khúc thể hiện các mốc son lịch sử của dân tộc, kết nối với các sự kiện, bước ngoạt của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là trường đoạn trọng tâm, bao quát cả một giai đoạn từ khi có Đảng đến chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trường đoạn mở đầu là hoạt cảnh “Cách mạng Tháng Tám và mùa thu độc lập”, hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong biển người hân hoan, cờ hoa rực rỡ vào ngày 2/9/1945.
Tiếp đó là các phần tái hiện thời kì lịch sử nổi bật: Toàn quốc kháng chiến, đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước; chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động toàn thế giới, đất nước bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc với ranh giới là vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải; hình ảnh Bác Hồ hành quân cùng quân đội nhân dân Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với niềm tin tất thắng...
Trong trường đoạn này cũng khắc họa hình ảnh “đội quân tóc dài” của nhân dân miền Nam anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; “Điện Biên Phủ trên không” với chiến công của quân, dân miền Bắc trong 12 ngày đêm chống trả những trận ném bom hủy diệt của kẻ thù.
Các hoạt cảnh đều được minh họa bằng nhiều màn hát, múa liên hoàn. Trong trường đoạn này, các nghệ sĩ trình diễn nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng: “Du kích sông Thao”, “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương”; “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Hà Nội những đêm không ngủ”…
Hoạt cảnh cuối của trường đoạn 3 khắc họa Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, quân và dân ta tiến hành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trường đoạn 4 mang tên "Đất nước trọn niềm vui", khắc họa hình ảnh 2 miền Nam - Bắc xum họp sau 30 năm chia cắt với biết bao đau thương, mất mát.
Trường đoạn 5 mang tên "Việt Nam - Đường chúng ta đi" khắc họa 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, hải đảo, ngợi ca khát vọng tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước, thực hiện di chúc của Hồ Chí Minh "Xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn".
Trường đoạn này ngợi ca thành tựu 30 năm đổi mới của đất nước; ngày hội lao động xây dựng quê hương của tuổi trẻ Việt Nam trên mọi nẻo đường đất nước; ca ngợi những người lính hải quân kiên trung giữ gìn biển đảo Tổ quốc...
Chương trình "Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh" được dàn dựng công phu và có nhiều điểm nhấn; được dàn dựng với nhiều loại hình nghệ thuật : âm nhạc, múa, kịch,... Chương trình quy tụ gần 500 diễn viên từ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Đoàn Văn công Quân khu I, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc và nhiều giọng hát như NSND Quang Thọ, NSND Quang Huy, NSƯT Thái Bảo, Mỹ Linh...