Hiểu và thực hành đúng về hầu đồng - Vén màn bí ẩn

Vén bức màn bí ẩn của hầu đồng, loại trừ biến tướng sai lệch và những yếu tố trục lợi, từng bước quản lý việc thực hành tín ngưỡng một cách hợp lý, có như vậy mới xóa bỏ được những gán ghép mê tín dị đoan, đưa nghi lễ hầu đồng trở về đúng với giá trị di sản.

Có thể nói, sau hàng trăm năm tồn tại, trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu mà tiêu biểu là nghi lễ hầu đồng dần bị thay đổi, bị biến dạng cả về bản chất, không còn giữ được quy chuẩn của thuở ban đầu.


GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, từng ví, việc thực hành nghi lễ hầu đồng như một đứa trẻ bị bỏ rơi, lấm lem bùn đất, đã đến lúc cần đánh giá đúng và công bằng về tín ngưỡng thờ Mẫu, cần biết cách gột rửa hết đất cát, bụi bặm mà thời gian đã khoác lên mình nó để Di sản được bảo tồn và phát huy hết giá trị vốn có.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết của nhiều người về tín ngưỡng này. GS Thịnh đưa ra một con số thống kê đáng lo ngại. Hiện có tới 80% thanh đồng không hiểu bản chất của di sản, không hiểu Đạo Mẫu hay tín ngưỡng thờ Mẫu là gì.

GS.TS Ngô Đức Thịnh thẳng thắn, nếu càng mập mờ, thì càng biến tướng phức tạp. Vì vậy, chúng ta cần đưa tín ngưỡng thờ Mẫu ra thực hành công khai, hướng đến việc các thanh đồng và người dân ý thức được giá trị đích thực của di sản là cách để hạn chế những biến tướng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các thanh đồng cũng như người dân tự nhận thức được cái hay, cái dở để điều chỉnh hành vi của mình, hạn chế thấp nhất sự trục lợi trong nghi lễ này.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tuyên truyền vận động rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của nghi lễ, về cách thực hành nghi lễ để người dân nhận thức đầy đủ giá trị văn hóa, nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu, xua tan bóng đen mê tín dị đoan trong các cuộc hầu đồng.

Các địa phương cần có hướng dẫn về thực hành nghi lễ chầu văn ở các đền, điện, phủ. Các cuộc liên hoan hoặc trình diễn nghi lễ chầu văn phải bảo đảm tính nguyên mẫu và giá trị nghệ thuật của hát văn, hầu đồng...

Bên cạnh việc tuyên truyền, công khai nghi lễ để dân hiểu đúng giá trị, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những đối tượng rất quan trọng góp phần đưa hầu đồng trở lại đúng giá trị thực của nó chính là những chủ thể văn hóa - những thanh đồng, thủ nhang các đồng đền.

Bản thân họ là những người quản lý di sản, chủ thể thực hành nghi lễ, họ chính là người hướng dẫn các con nhang đệ tử thực hành nghi lễ... nên việc các thanh đồng, thủ nhang tham gia vào là vô cùng quan trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thường xuyên tổ chức liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu cũng góp phần đưa hầu đồng đến với công chúng, xóa bỏ dần bức màn bí ẩn của tín ngưỡng này; đồng thời, tạo hành lang để đưa các thanh đồng dần đi về quỹ đạo của nghi lễ, thông qua các quy định yêu cầu các thanh đồng cần thực hiện khi tham gia liên hoan, như vậy, dần dần họ sẽ tự giác thực hiện.

Hiện Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam đang cùng Ban tôn giáo Chính phủ xây dựng và trình Chính phủ hình thức tổ chức nghi lễ sao cho đúng trong cộng đồng, để người dân nhận biết những thanh đồng lợi dụng trục lợi, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong cộng đồng, từng bước đưa tín ngưỡng về đúng quỹ đạo.

Nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các đồng đền đều nhận định rằng, hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu rất cần được “gạn đục, khơi trong”, để trả lại đúng giá trị cho nghi lễ, cho di sản.

Đã đến lúc, các nhà chuyên môn, quản lý và bản thân các nhóm hầu đồng cần phải đưa ra một bộ tài liệu mang tính chất chuẩn mực về Đạo Mẫu và nghi lễ thực hành tín ngưỡng, để các thanh đồng, các con nhang đệ tử theo đó mà thực hiện, các cấp chính quyền dựa vào đó mà thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm.

Để thực hiện được việc “chuẩn hóa” này, cần có sự tham gia của cả ba nhà: nhà quản lý, nhà khoa học và nhà thực hành, có như vậy mới có thể bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của nghi lễ, để đưa hầu đồng trở với giá trị nguyên gốc của nó, đặc biệt là trong khi ta đang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa của nhân loại.


Bài và ảnh: Phương Lan


Hiểu và thực hành đúng về hầu đồng
Hiểu và thực hành đúng về hầu đồng

Chầu văn (hầu đồng) là nghi lễ quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời của người Việt. Nhưng lâu nay, hầu đồng bị che phủ bởi một bức màn huyền bí và đầy nghi hoặc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN