Hoàn thành điều tra, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, Đắk Nông

Chiều 5/9, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông tổ chức Hội nghị công bố, chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”.

Đây là công trình khoa học do Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu trong hai năm, từ 7/2016 đến 7/2018.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh hội nghị.

Việc hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học này sẽ là cơ sở giúp Đắk Nông bảo tồn, quản lý, khai thác các giá trị di sản nhằm phát triển kinh tế - xã hội khu vực công viên địa chất núi lửa và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận đây là Công viên địa chất toàn cầu.

Công trình khoa học đã nghiên cứu đánh giá các di sản địa chất, phi địa chất và triển vọng xây dựng Công viên địa chất Krông Nô theo tiêu chí UNESCO. Các nhà khoa học đã nghiên cứu xác lập, đánh giá về đặc điểm địa chất, các di sản địa chất, tiềm năng di sản văn hóa, đa dạng sinh học… trong Công viên địa chất khu vực Krông Nô. Từ đó, xây dựng hồ sơ khoa học, bản đồ và cơ sở dữ liệu về Công viên địa chất khu vực Krông Nô.

Theo đánh giá của các nhà khoa học thuộc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Công viên địa chất núi lửa Krông Nô đáp ứng được yêu cầu của UNESCO để trở thành công viên địa chất toàn cầu. Cụ thể, UNNESCO yêu cầu công viên địa chất toàn cầu phải có ít nhất 40 điểm di sản địa chất, trong đó có ít nhất một di sản địa chất có giá trị mang tầm quốc tế.

Công viên địa chất núi lửa Krông Nô có 55 điểm di sản địa chất, trong đó có 7 điểm di sản địa chất tầm quốc tế. Đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô có tính độc đáo và hiếm gặp trong khu vực cũng như trên thế giới.

Công viên địa chất núi lửa khu vực Krông Nô được xây dựng dựa trên những di chỉ khảo cổ vật thể và phi vật thể trên địa bàn 6 huyện và một thị xã thuộc tỉnh Đắk Nông. Việc xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông được tiến hành sau khi các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á tại huyện Krông Nô năm 2014.

Theo các nhà khoa học, công viên địa chất núi lửa tại tỉnh Đắk Nông có giá trị cao về khoa học và du lịch.

Tin, ảnh: Ngọc Minh (TTXVN)
UNESCO báo động sự tồn vong của 'Biển Ngọc bích'
UNESCO báo động sự tồn vong của 'Biển Ngọc bích'

Ngày 28/6, Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) đã xếp hồ Turkana, một khu vực bảo tồn ở Kenya và một trong những nơi được cho là điểm khởi nguồn của nhân loại, vào danh sách các Khu vực Di sản thế giới bị đe dọa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN