Luật Giao thông đường bộ xem ra là một bộ luật khá rõ ràng trong những quy định. Theo đó, để bảo đảm trật tự, an toàn và thông suốt, người tham gia giao thông, đặc biệt là người điều khiển phương tiện, không những phải nhường đường theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, khi gặp tín hiệu đèn giao thông hay biển báo hiệu, vạch kẻ đường, mà còn phải bắt buộc tuân theo các quy tắc nhường đường khi chuyển hướng xe, tránh xe đi ngược chiều; nhường đường cho các loại xe ưu tiên, nhường đường tại nơi giao nhau... “Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức độ hiểu biết và chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về ATGT như vậy thì chưa đủ để hình thành một văn hóa giao thông đẹp.
Nét đẹp nhường nhịn khi tham gia giao thông đang bị mất đi trong xã hội hiện nay. |
Có những trường hợp tuy pháp luật không “với tay” đến, nhưng một người có văn hóa khi tham gia giao thông không thể thờ ơ, đó là: nhường đường cho trẻ em, người già, người nước ngoài, người ít có kinh nghiệm tham gia giao thông (người mới tập lái xe, người ở nông thôn ra thành phố); nhường một phần đường của mình khi gặp đám rước, đám tang, phương tiện do súc vật kéo, phương tiện cồng kềnh hơn... đi ngược chiều”, một luật sư chia sẻ.
“Lý thuyết” thì là vậy, nhưng “bập” vào thực tế cuộc sống, mới thật sự thấy sợ những sự vô cảm khi tham gia giao thông của người dân hiện nay.
Ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên Hồng (Hà Nội) tầm 16 giờ, dòng người đang lưu thông khá thảnh thơi, vì cũng chưa tới giờ tan tầm và cũng chưa phải giờ cho những vội vàng cuối ngày. Đột nhiên, có tiếng còi hụ, một chiếc xe cứu thương, nhìn rõ trên xe có người cầm chai truyền giơ cao, đang tìm cách để lách lên. Tiếng còi hụ vang liên tục, đầy nôn nóng, sốt ruột, người lái xe cứu thương hết đánh tay lái bên này, lại ngó nghiêng bên kia nhưng vẫn chưa tìm được chỗ nào đủ rộng để len lên. Chưa kể những chiếc xe máy, ô tô vẫn đang tà tà dàn hàng ở ngay trước mũi xe và hai bên chiếc xe cứu thương. Một vài chiếc xe máy thậm chí còn lách qua xe cứu thương để lên phía trước. Xe cứu thương vẫn tiếp tục hụ còi, những khuôn mặt thờ ơ vẫn tiếp tục lưu thông trên đường như không hề nghe thấy gì… Tôi đi sau xe cứu thương và chứng kiến phải mất tới gần chục phút, chiếc xe mới có thể lao lên và lao nhanh vun vút về hướng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Những sự việc trên giờ không còn là cá biệt nữa. Dù xe cứu thương là một trong những phương tiện được quy định trong luật là có quyền ưu tiên và người tham gia giao thông có trách nhiệm phải nhường đường. Thậm chí, nếu không phải quy định trong luật, thì theo lẽ nhân văn thường tình, cũng phải và nên nhường đường. Thế nhưng, giờ không ai quan tâm tới việc ấy.
Sỹ Hoàng, thành viên của một diễn đàn ô tô - xe máy tại TP Hồ Chí Minh kể: “Tôi đã thấy tận mắt và cũng đã có nhiều người trên diễn đàn đã để cập đến vấn đề này trước đây. Chuyện như thế này: Lúc đó là 8 giờ 30 sáng, một xe cấp cứu đang chở người bệnh hú còi chạy trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài quận 10, thì bị một chiếc xe Altis màu đen lưu thông cùng chiều chạy chậm cản trở ở phía trước.
Mặc dù xe cứu thương đã hú còi cấp cứu từ xa và nhá đèn liên tục sau chiếc xe Altis này, nhưng người tài xế vẫn chạy chậm khoảng 5 - 7 km/giờ, mà không mở đèn xi-nhan tấp vào lề để nhường đường (thật tình thì xung quanh cũng có một số xe 2 bánh đang lưu thông cùng chiều, nhưng xe Altis vẫn có thể tấp vào lề). Cuối cùng, không thể chờ được, xe cứu thương phải lấn là vượt trái để qua mặt chiếc Altis này. Bức xúc trước tình huống này, tôi chạy xe máy lên để xem người lái xe Altis là ai, thì thấy đó là một nữ tài xế khoảng 40 - 43 tuổi đang điều khiển xe một mình với một nét mặt rất lơ đễnh và bình thản”.
Câu chuyện sau đây, còn đau lòng hơn nữa về cái gọi là thiếu “văn hóa nhường đường”. Hai chiếc xe taxi 7 chỗ kiên quyết không nhường quyền ưu tiên cho một xe cấp cứu khi xe này đang tiến hành chuyển bệnh nhi từ Bệnh viện Nhi đồng II về Nhi Đồng I (TP Hồ Chí Minh). Khi đến giao lộ Pasteur - Lê Duẩn, không thể chờ được nữa, tài xế xe cứu thương bật còi ưu tiên và nhấn ga cho xe vượt qua giao lộ; thì một trong hai chiếc xe taxi đó, do không nhường đường, vẫn nhao theo, đã tông thẳng vào hông xe cứu thương. Chiếc xe còn lại cũng lao qua bị đầu xe cứu thương, tông vào bên hông còn lại của xe. Chiếc xe cứu thương sau đó vẫn được công an ưu tiên cho chạy tiếp để đưa bệnh nhân tới bệnh viện, rồi tài xế quay lại để trình diện cơ quan chức năng.
“Với xe cứu thương, nhiều khi trễ năm ba phút thôi là cũng mất mạng bệnh nhân rồi, sao giờ đây con người lại vô cảm tới thế nhỉ. Bạn nghĩ sao khi chính bản thân bạn hoặc người thân của bạn đang nằm trong chiếc xe cứu thương ấy?”, Thu Trang - một người tham gia giao thông chia sẻ với chúng tôi. Theo Thu Trang kể lại, có lần cô vì nhường đường cho xe cấp cứu, nên dừng lại ngay trước đầu một chiếc xe ô tô. Sau đó, khi chiếc xe này chạy lên, vượt qua cô, tài xế - một người đàn ông ăn mặc khá bảnh bao, đã thò đầu qua cửa kính và chửi cô “Con điên” với thái độ vô cùng giận dữ.
Cũng chung quan điểm với Thu Trang, bà Nguyễn Thị Tâm (Hải Phòng), cho biết: “Từng giây, từng phút chậm trễ trong việc di chuyển trên xe cứu thương sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng của bệnh nhân. Tại sao người điều khiển xe xung quanh không thể chạy chậm lại và nhường đường cho xe cấp cứu? Giành đường hoặc không nhường đường cho xe ưu tiên thì không khác gì hành động giết người dã man. Cá nhân tôi xem họ là những “kẻ giết người và thiếu văn hóa” trong xã hội”.
Với xe cứu thương là vậy, xe tang, xe cứu hỏa cũng chung tình trạng tương tự. Những nghĩ, nghĩa tử là nghĩa tận, nhưng thật đau lòng khi giờ đây, dù có cả đoàn xe tang ở phía sau, dòng người tham gia giao thông vẫn từ tốn đi phía trước, vẫn phần đường ai người nấy đi như thường, mà không hề có hành động nhường đường. Tôi vẫn nhớ, một lời dạy của mẹ, thấy xe tang thì con nên dừng lại, bỏ mũ ra, nhường cho xe đi trước, như một lời chào tạm biệt với người đã khuất. Giờ, không còn ai dạy ai thế nữa sao?
Nhóm Phóng Viên
Bài cuối: Xây dựng lại ý thức cho từng cá nhân