Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Qua 10 năm triển khai thực hiện, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phấn đấu, giải pháp thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) được đưa vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch nhà nước để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Bài 2: Những cách làm hiệu quả

Đa số các tỉnh, thành phố, HĐND và UBND đều ban hành các nghị quyết, quyết định, các chính sách đầu tư, hỗ trợ đời sống văn hóa cơ sở. Tuy mỗi địa phương tổ chức triển khai khác nhau, nhưng kết quả đạt được đều rất khả quan.

Thiếu nữ dân tộc Lào, bản Phiêng Hào (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên - Lai Châu) đón khách bằng điệu múa truyền thống. Ảnh: Hoàng Nguyên


Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động gia đình tham gia xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức tốt việc bình bầu gia đình văn hóa công khai, dân chủ từ khu dân cư nên chất lượng gia đình văn hóa ở đa số các địa phương được nâng lên. Gần 1,12 triệu gia đình văn hóa tiêu biểu ở các cấp được khen thưởng (đạt 15%). Xây dựng gia đình văn hóa thực sự trở thành môi trường giáo dục quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần trong gia đình.


Nhiều gia đình văn hóa làm kinh tế giỏi, có nhiều đóng góp cho làng xóm, quê hương, như gia đình ông Phan Kim Lợi - một gia đình văn hóa ở làng văn hóa Hải Yến (xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương) là một ví dụ. Hai ông bà đều là trí thức đã nghỉ hưu, ngôi nhà của ông giống như một câu lạc bộ của người cao tuổi, hàng ngày có các bạn già, hàng xóm đến chơi cờ, thưởng trà và đàm đạo chuyện làng, chuyện nước. Ông bà còn bỏ 130 triệu đồng để xây nhà mẫu giáo cho trẻ em trong làng có chỗ học, chỗ chơi...

Từ nhiều năm nay, bản văn hóa Phiêng Hào (xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên, Lai Châu) đã được công nhận là bản văn hóa cấp tỉnh. Có được thành tích đó là cả một quá trình phấn đấu của Chi bộ và sự đồng lòng quyết tâm của bà con dân tộc địa phương.


Cùng với việc thường xuyên vận động bà con khai hoang, mở rộng diện tích gieo trồng, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ... để phát triển kinh tế, bản luôn chú trọng công tác xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa, đẩy mạnh thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, giữ vững an ninh trật tự, xóa bỏ phong tục tập quán hủ tục, lạc hậu.


Các cán bộ, đảng viên của bản luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vướng mắc của bà con. Mỗi tháng, bà con tập trung họp bàn trao đổi, đánh giá, rút kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện nếp sống văn minh hiện đại. Đóng góp, xây dựng đổi mới các nội dung hương ước, quy ước của bản trong việc thực hiện chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, thả rông gia súc...


Theo quy định của bản, mỗi tuần bà con tập trung cùng nạo vét kênh mương, dọn dẹp vệ sinh đường vào bản, phát quang bụi rậm. Đội ngũ y tế bản thường xuyên đến từng hộ gia đình khám, chữa bệnh và tuyên truyền cho bà con ăn uống bảo đảm vệ sinh, thực hiện ăn chín uống sôi, nằm màn để phòng chống bệnh sốt rét, người ốm cần đi khám để chữa trị, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.


Nhờ đó sức khỏe của nhân dân luôn đảm bảo, trường hợp sinh con thứ 3 đã giảm đáng kể, 100% các hộ trong bản đã có nước sạch, con em trong bản được đến trường. Các hộ gia đình thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới trong khu dân cư, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong cưới xin, ma chay.


Trong bản thường xuyên tổ chức biểu diễn múa xòe, hát đối, thổi kèn, các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, tạo một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho bà con. Trưởng bản Lò Văn Sẳn cho biết: “Bà con trong bản ai cũng vui mừng, phấn khởi khi nhà văn hóa bản được Nhà nước đầu tư xây dựng, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con”.

Còn ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), theo lời kể của người dân, từ năm 1997 trở về trước, việc dựng vợ, gả chồng cho con cái là gánh nặng đối với nhiều gia đình ở đây. Thời đó, trước khi cưới, nhà trai phải mang lễ vật, tiền mặt đến nhà gái (2-3 triệu đồng/đám), lễ ăn hỏi được tổ chức linh đình rồi chia trầu cau, bánh trái cho cả làng và lượng cỗ trong 2-3 ngày cưới không dưới 150 mâm… Hủ tục này khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ dở khóc, dở cười vì phải gồng mình “cày” trả nợ sau ngày cưới. Từ năm 1997 đến nay, hưởng ứng cuộc vận động TDĐKXDĐSVH, huyện đã làm cuộc "cách mạng" xóa bỏ hủ tục.


Phong trào sống và cưới theo nếp sống văn minh, tổ chức cưới tiệc trà đơn giản, trang trọng được các ngành, đoàn thể, nòng cốt là đoàn thanh niên, tuyên truyền, vận động tới từng nhà và làm thí điểm tại 3 xã Hồng Minh, Tri Thủy, Quang Lãng rồi nhân rộng ra toàn huyện.


Theo ông Nguyễn Cát Khoa, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Xuyên, đến nay, tuy chưa thu hút được 100% số đám cưới tổ chức theo hình thức này, nhưng mỗi năm Phú Xuyên có khoảng 800-900 đám (chiếm 60-70%) tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, trong đó có 120-150 đám tổ chức theo hình thức tiệc trà.


Đặc biệt, khi nhận giấy đăng ký kết hôn, các đôi uyên ương được đoàn thanh niên tổ chức tiệc ngọt, biểu diễn văn nghệ chúc mừng hạnh phúc tại hội trường UBND xã... Anh Nguyễn Văn Đức, người dân xã Phú Xuyên chia sẻ: “Nhà tôi vốn khó khăn, nếu tổ chức đám cưới như ngày xưa sẽ phải vay mượn rất nhiều. Bây giờ, tổ chức đám cưới theo nếp sống mới không tốn kém nhiều, nên tôi không còn phải lo lắng nữa”.

Có thể nói, việc triển khai cụ thể phong trào TDĐKXDĐSVH ở mỗi địa phương không giống nhau, nhưng kết quả đạt được đều rất tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương thực hiện chưa tốt, vẫn còn có hiện tượng chạy theo thành tích.

Nhóm PV

Bài 3: Vẫn còn những “khoảng tối”

 Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) là một trong bốn nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN