Ngày 27/9, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật Bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn” với sự tham gia của hàng trăm nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học và nghệ nhân Bài chòi trên cả nước.Hát bài chòi tại lễ hội Đình làng Túy Loan. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN. |
Viện trưởng Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Bình Định cho biết, hội thảo lần này tập trung thảo luận sâu về các vấn đề: Lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Bài chòi dân gian; âm nhạc trong nghệ thuật Bài chòi dân gian; hiện trạng của di sản Bài chòi ở các địa phương; chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Bài chòi.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho việc xây dựng Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phạm vi thực hiện hồ sơ quốc gia Bài chòi gồm 11 tỉnh, thành phố miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nghệ thuật Bài chòi là một sản phẩm văn hóa độc đáo của vùng đất miền Trung. Trải qua nhiều sự thay đổi của lịch sử, xã hội đến nay nghệ thuật Bài chòi vẫn là một trong những loại hình dân gian độc đáo không thể thiếu trong các lễ hội của người dân miền Trung. Bên cạnh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, hát Bài chòi còn mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người...
Mặc dù khá phổ biến như vậy, song nghệ thuật Bài chòi cũng có những giai đoạn từng bị lãng quên, mai một. May mắn là vẫn còn những người dân, những nghệ nhân yêu thích và âm thầm giữ gìn nghệ thuật truyền thống để đến nay nghệ thuật Bài chòi mới có cơ hội phát triển trở lại.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 28 nhóm, 22 hội đánh Bài chòi dân gian được UBND cấp xã bảo trợ, quản lý, trên 150 nghệ nhân đang hoạt động về các lĩnh vực Bài chòi dân gian. Ngoài ra, còn có đoàn ca kịch Bài chòi Bình Định trực thuộc sở, với nhiệm vụ giữ gìn và phát huy vốn tinh túy của sân khấu Bài chòi Bình Định nói riêng.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, tỉnh Bình Định cũng đã chủ động đưa nghệ thuật Bài chòi vào các lễ hội truyền thống của tỉnh nhằm quảng bá và giới thiệu nghệ thuật độc đáo của miền Trung đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước.
Quốc Dũng