“Những gì đã được ghi trong sách giáo khoa về sử thì không nên nói khác đi. Nhưng văn chương vốn khẩu chứng vô bằng nên mỗi người nghĩ mỗi cách.
Có lẽ đó là sự khác nhau vốn rất lớn giữa “sách sử”, sách “kể chuyện lịch sử” và “tiểu thuyết lịch sử” chăng? Không ai có thể áp đặt cho tiểu thuyết lịch sử những quan điểm có sẵn trong sách giáo khoa môn sử…”- nhà văn Nguyễn Quang Thân (giải A duy nhất tại cuộc thi Tiểu thuyết lần thứ 3 (2006-2010) do Hội Nhà văn tổ chức) với tác phẩm “Hội thề” cho biết.
Nhà văn Nguyễn Quang Thân. |
Một lần nữa, “vòng nguyệt quế” của cuộc thi Tiểu thuyết lại thuộc về ông. Cảm giác của ông thế nào? Ông có bất ngờ không?
Cuộc thi kéo dài ba năm, có hàng trăm cuốn tiểu thuyết, phần lớn đều là của các nhà văn bạn bè của tôi.
Đối với tôi, được giải nhất hay không được giải gì cả cũng không có gì bất ngờ. Bạn để ý mà xem, giống như con gà mái đẻ xong, nó rời ổ, cục tác vài tiếng và thường quên ngay quả trứng, lo đi nhặt thóc để làm quả trứng khác…
Có nhận xét rằng, trong những cuốn sách của ông, đặc biệt là tiểu thuyết, ông thường đề cập tới thân phận buồn của những trí thức có nhân cách đẹp nhưng thường thiệt thòi và lận đận?
Đúng thế, trong tiểu thuyết của tôi, nhiều anh hùng chiến công đầy mình của khởi nghĩa Lam Sơn từng thị phi và nghi kỵ mấy ông nghè từ Thăng Long vào tụ nghĩa muộn, trong tay không công trạng gì ngoài cuốn Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi.
Nhưng Lê Thái Tổ đã vượt qua tất cả bọn họ, để chấp nhận và giao quyền rất cao, chức rất trọng cho những con đại bàng hun đúc được trí tuệ của đất Thăng Long văn hiến.
Chính những trí thức lớn này của Thăng Long (Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Trú, Phạm Văn Xảo) đã chắp cánh cho cuộc khởi nghĩa bay xa, thoát ra khỏi nguy cơ trở thành một cuộc nổi dậy cục bộ và cầm chắc thất bại nếu không có chiến lược đúng đắn.
Hội thề Đông Quan là cái mốc chói lọi "xưa nay chưa từng có" trong lịch sử dân tộc, thành quả của tầm nhìn vĩ đại và lòng thành trọng dụng trí thức của Lê Thái Tổ.
Đó cũng là bài học của ngàn năm dựng nước. Cái đáng sợ nhất của bất kỳ triều đại nào là trí thức quay lưng bỏ đi, điều này giống như linh hồn lìa khỏi xác!
Dựng lại bối cảnh sống và các nhân vật của thế kỷ 14-15 sao cho sinh động, lôi cuốn mà vẫn tôn trọng giá trị thực của lịch sử là điều không dễ. Trong quá trình viết “Hội thề”, ông có gặp nhiều khó khăn?
Khó ai có thể phán xét bắt bẻ chuyện đúng sai trong bối cảnh, ngôn ngữ nhân vật hay trang phục vì đâu có đối chứng, hiện vật của nước ta còn lại quá ít, thành ra khó cũng trở thành dễ.
Tất nhiên chừng nào còn ở mức độc giả chấp nhận được! Có cảnh Nguyễn Trãi và bà Lộ tâm sự trên giường trong đêm khuya thanh vắng, tôi phân vân mãi không biết họ xưng hô với nhau thế nào thời đó.
Sex thì đâu có mới mẻ gì với thế kỷ 15 khi có thể Nguyễn Trãi và bà Lộ đã đọc “Tố nữ kinh” vốn là sách cổ Trung Hoa có ngàn năm tuổi trước đó. Chẳng nhẽ họ vẫn chàng chàng, thiếp thiếp như ở phòng khách hay thư phòng? Khó quá đi chứ! Nhưng tất nhiên, bà Lộ không thể nào mặc “váy trễ”, “quần trễ” hay “yếm trễ”… kiểu “Tây” như các cô nàng khắp nơi mọi chốn hôm nay…
Được biết, trước khi viết "Hội thề" tiểu thuyết, ông đã viết "Hội thề" kịch bản phim và cũng giành giải nhất “Cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử để chọn ra tác phẩm làm phim mừng Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi”. Tuy nhiên, vì một số lý do mà kịch bản phim "Hội thề" không được dựng. Ông có hy vọng một ngày nào đó, sẽ có một bộ phim được dàn dựng từ kịch bản này không?
Theo tôi được biết, kịch bản điện ảnh này đã nhận được phiếu tuyệt đối của rất nhiều đạo diễn, điện ảnh, nhà sử học, nhà văn và những người có trách nhiệm thẩm định.
Được nhận giải nhất mà không được chọn làm phim thì mình không đạt được mục đích ban đầu là góp cho 1000 năm Thăng Long một kịch bản tử tế, để làm một bộ phim tử tế…
Nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ có một tác phẩm điện ảnh được dàn dựng từ kịch bản "Hội thề". Biết đâu lại có thể làm một bộ phim như tôi mong ước vào dịp 2.000 năm Thăng Long thì sao? (cười)
Với việc ra mắt cuốn tiểu thuyết “Hội thề”, và bây giờ được công nhận bởi giải thưởng cuộc thi Tiểu thuyết của HNVVN, ông có kỳ vọng gì không?
Tôi chỉ mong có nhiều người đọc, có nhiều phản hồi, khen hay chê đều quý. “Người lính già đầu bạc/ Kể lại chuyện Nguyên phong”. Nghĩ mình vẫn còn được kể lại chuyện xưa, “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Con bế con bồng con dắt con mang”, triều vua gìn giữ được 365 năm hòa bình, ổn định bờ cõi, tôi cũng thấy tự hào!
Hẳn là ông đang thai nghén tác phẩm mới, ông có thể chia sẻ với bạn đọc?
Có ba cái khó của một nhà văn già: Viết khó, tự đánh giá khó và cái thứ ba, công bố càng khó. Tôi đang viết, nhưng chưa đâu vào đâu nên không dám nói gì bây giờ!
Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện. Chúc ông gặt hái được những thành công trên con đường mình đã chọn!
Khánh Linh