Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Đại sứ, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Nguyễn Thị Vân Anh, cùng đông đảo bà con kiều bào và bạn bè Pháp đã tới chung vui cùng các thành viên.
"Mùa xuân đầu tiên", "Trăng chiều", "Bèo dạt mây trôi", "Giai điệu Tổ quốc"..., từ âm nhạc dân gian đến nhạc nhẹ, từ những bài hát kinh điển của Việt Nam đến các tác phẩm nổi tiếng thế giới, tất cả đã được hơn 40 thành viên của dàn Hợp ca Quê hương thể hiện một cách hào sảng, hùng tráng, khiến đêm nhạc kỷ niệm tuổi 15 đầy ắp ấn tượng và cảm xúc, giúp người xem được sống lại những thời khắc đẹp đẽ trong lịch sử của Hợp ca.
Ra đời vào tháng 4/2009, Hợp ca Quê hương được thành lập với ý tưởng ban đầu là mong muốn tập hợp những người Việt, cùng chung niềm đam mê ca hát, yêu thích những bài hát Cách mạng, hay còn gọi nôm na là "nhạc đỏ" của Việt Nam. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp về tên gọi "Quê hương", bà Nguyễn Thị Ngân Hà, người sáng lập dàn hợp ca cho biết: "Hợp xướng là loại hình nghệ thuật có thể tụ hợp được những người thích hát các bài ca Cách mạng và hướng về đất nước. Dù kỹ thuật hát không phải là chuyên nghiệp hay tuyệt hảo, nhưng khi hát những bài ca đó thì ai cũng thích và xúc động. Lúc cất tiếng hát, mọi người đều nghĩ về quê hương và đó cũng chính là lý do chúng tôi lựa chọn tên gọi Hợp ca Quê hương".
Ban đầu chỉ là sự tụ hợp của một nhóm 15 - 20 người có cùng sở thích, đến nay dàn hợp ca đã chứng kiến sự góp mặt của 5 thế hệ với số lượng người tham dự lên đến khoảng 250 thành viên. Do thành viên là các lưu học sinh hoặc bà con kiều bào, thuộc các ngành nghề, lứa tuổi khác nhau, nên mỗi người gắn bó và chia tay với Hợp ca Quê hương ở những thời điểm khác nhau, người 7-8 năm, người 13 năm, người mới 2-3 năm. Mặc dù luôn có biến động về nhân sự do những thay đổi về số lượng người đi, người ở, nhưng hợp ca luôn duy trì được đội ngũ khoảng 30 - 40 hợp xướng viên. Đặc biệt, có lần số lượng người tham dự dàn hợp xướng đã lên đến 80 người.
Bạn Nguyễn Thúy Hà, thành viên dàn hợp ca từ 2 năm nay, cho biết bạn luôn xúc động khi hát những ca khúc về quê hương Việt Nam. Theo Thúy Hà, cuộc sống xa nhà vốn không dễ dàng và ai cũng có nỗi nhớ quê hương, đất nước, do đó hát trong dàn hợp xướng cũng là cách để bù đắp cảm xúc của mình ở nơi đất khách quê người. Còn bạn Ngô Đàm Dũng thì khẳng định sự gắn kết cùng nhau là điều cần thiết giữa những đồng bào ở xa Tổ quốc và chính tình yêu dành cho âm nhạc và quê hương, là động lực để mọi người tham gia vào ban nhạc, cùng nhau cất lên tiếng hát, lời ca.
Luôn đặt sứ mệnh gìn giữ, giới thiệu âm nhạc và văn hóa Việt Nam lên hàng đầu, Hợp ca Quê hương hoạt động hoàn toàn chỉ dựa vào sự đóng góp và nhiệt tâm của các thành viên, sự ủng hộ của bạn bè gần xa để cùng nhau giúp văn hoá Việt Nam lan toả mạnh mẽ hơn tới bạn bè quốc tế. Với tinh thần này, Hợp ca Quê hương đã đưa những bài hát yêu nước hay nhất của Việt Nam đến những nơi uy tín như UNESCO, Bảo tàng Quai Branly, Nhà thờ Saint Louis des Invalides, phối hợp với Dàn nhạc đa âm Choisy-le-Roi, Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Rouen, tham gia các lễ hội ca hát nổi tiếng như FIMU, Voix sur Berges, Lễ hội Âm nhạc & Những người bạn châu Âu... Trải qua 15 năm tồn tại và phát triển, Hợp ca Quê hương tự hào là dàn hợp xướng hát tiếng Việt duy nhất ở hải ngoại thường xuyên tham gia vào các liên hoan Hợp xướng quốc tế và các sự kiện văn hóa của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cũng như châu Âu.
Ông Vương Hữu Nhân, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) cho biết Hợp ca Quê hương tham gia vào rất nhiều sự kiện của người Việt tại Pháp, trong đó đặc biệt là lễ hội Tết cổ truyền, Tết Trung thu. Ông khẳng định: "Hợp ca đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam tại Pháp, vì âm nhạc và lời ca là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt Nam. Theo đánh giá của ông, mặc dù phần lớn các thành viên là những ca sĩ nghiệp dư, nhưng họ hát rất tốt và các tiết mục đều được thể hiện rất chuyên nghiệp".
Đánh giá cao sự đóng góp của Hợp ca Quê hương trong các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại UNESCO, Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh khẳng định dàn hợp xướng là một "ví dụ điển hình về trao đổi đa văn hóa". Bà chia sẻ: "Và hơn thế nữa, những lời ca tiếng hát của Hợp ca đã góp phần quảng bá văn hóa, đất nước con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế UNESCCO cũng như là đối với cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, phù hợp với mục tiêu của UNESCO là thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và hợp tác giao lưu giữa các nước".
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: "Những ca khúc hợp xướng do Hợp ca Quê hương thể hiện không đơn thuần chỉ là những giai điệu, chúng phản ánh tâm hồn Việt Nam cũng như truyền thống và những giá trị sâu sắc của nó. Bằng cách chia sẻ những kho tàng âm nhạc này, Hợp ca Quê hương đã mở ra cánh cửa văn hóa Việt Nam, giúp mọi người khám phá và yêu thích sự phong phú của di sản của chúng ta. Các chương trình nghệ thuật của Hợp ca Quê hương giờ đây đã trở thành sự kiện được cả người Việt Nam cũng như người Pháp yêu mến Việt Nam chờ đợi, thể hiện một cách hoàn hảo sức mạnh của âm nhạc trong việc kết nối giữa các thế hệ và các nền văn hóa".
Đại sứ đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp của người sáng lập Hợp ca, bà Nguyễn Thị Ngân Hà, và cho rằng nếu không có sự quyết tâm và cống hiến đầy nhiệt huyết của bà, công chúng sẽ khó có được những trải nghiệm âm nhạc đẹp đẽ như vậy. Đại sứ nhấn mạnh: "Sự tận tâm và tình yêu mà bà Ngân Hà dành cho âm nhạc Việt Nam là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta. Tôi đánh giá cao ngọn lửa đam mê mà bà đã truyền tải cho chúng ta, cùng với năng lượng và sự kết nối mà bà có thể tạo ra. Tất cả những điều này đã, đang và sẽ góp phần làm sinh động hơn đời sống văn hóa của cộng đồng chúng ta ở Pháp". Bà bày tỏ mong muốn các thành viên của Hợp ca tiếp tục nỗ lực để bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp.
Nhân dịp này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đã trao tặng Hợp ca Quê hương Bằng khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp để ghi nhận những đóng góp của dàn hợp ca trong phong trào người Việt tại Pháp, cũng như trong sự nghiệp quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.