Sáng mùng 5 Tết Nhâm Thìn, Lễ hội kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2012) đã diễn ra hùng tráng tại Công viên văn hóa Đống Đa – Đặng Tiến Đông, Hà Nội.
Múa rồng chào mừng Lễ hội kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Từ sáng sớm, mặc cho cơn mưa xuân lất phất giăng phố phường cùng tiết trời giá lạnh đến se sắt, con phố mang tên của Đô đốc Long, một vị tướng của Hoàng đế Quang Trung- đã nhộn nhịp bởi hàng nghìn người trảy hội. Khi tiếng trống hội Thăng Long rền vang, phần lễ chính thức bắt đầu bằng nghi thức dâng hương tế lễ của đoàn lễ Hà Nội, Bình Định cùng các đoàn địa phương lân cận; rồi lễ rước kiệu, màn múa Rồng, lễ dâng hương tại Chùa Bộc, chùa Đồng Quang tôn vinh hình tượng người anh hùng áo vải Quang Trung với những chiến công hiển hách, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt.
Mang đến không khí hào hùng và hấp dẫn nhất cho lễ kỷ niệm đánh dấu 223 năm chiến thắng vang dội Ngọc Hồi – Đống Đa là các chương trình nghệ thuật gồm những tiết mục ca múa nhạc tổng hợp mang tính sử thi theo chủ để “Âm vang bản hùng ca Đống Đa”. Đây là màn trống hội phối hợp liên khúc hát múa các bài “Hội Xuân Đống Đa”, “Huyền thoại một tình yêu”, “Bài ca chiến thắng”, “Đống Đa khúc thanh âm ngày mới”... Các tiết mục đặc sắc này đã tái hiện chiến thẵng lẫy lừng của vua Quang Trung vào năm 1789. Cả khu vực âm vang trong tiếng trống trận dồn dập và không khí tưng bừng của lễ hội đầu xuân. Người dân Thủ đô lại được sống trong không khí Tây Sơn hào hùng của một thời lịch sử. Phần hội cũng diễn ra đặc sắc và hấp dẫn với các tiết mục biểu diễn võ thuật, tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền, thi đấu cờ người, cờ tướng, các trò chơi dân gian, biểu diễn quan họ Bắc Ninh, biểu diễn thể dục thể thao….
Nhưng độc đáo nhất tại lễ kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là Lễ hội bài chòi do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định tổ chức cùng ngày tại sân nhà hát Kim Mã, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên có Lễ hội bài chòi, một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dải đất miền Trung diễn ra trên đất kinh kỳ Thăng Long-Hà Nội. Điều đặc biệt hơn nữa là Lễ hội được tổ chức trên chính mảnh đất là nơi yên nghỉ của những nghĩa quân Tây Sơn đã hy sinh vì nước, vì dân, nay là một phần của rạp Kim Mã. Bên chùa Kim Sơn đã có nhà bia tưởng nhớ công đức nghĩa quân Tây Sơn.
Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, ông Hoàng Chương cho biết: “Tham gia Lễ hội là 14-15 nghệ nhân bài chòi không chuyên, được lựa chọn từ lực lượng hát bài chòi đông đảo ở Bình Định. Các nghệ nhân tuổi đời còn rất trẻ, nhưng hát rất ngọt và nhuần nhuyễn bên cạnh các nghệ nhân cao tuổi có khả năng sáng tác, ứng khẩu tại chỗ rất nhanh nhạy. Điều này cho thấy bài chòi vẫn đang phát triển mạnh, được giới trẻ đón nhận, và cũng có nghĩa là một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc được giữ gìn, phát huy”.
Lần ngược dòng lịch sử, vùng Ngọc Hồi-Đống Đa hơn 200 năm về trước là một chiến trường đẫm máu gắn với câu chuyện hào hùng về người Anh hùng áo vải Quang Trung đã đánh tan hơn 2 vạn quân Thanh xâm lược, giữ yên bờ cõi, mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Gò Đống Đa đã trở thành một di tích lịch sử vẻ vang của nhân dân ta kể từ đó. Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là Ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành Quốc lễ.
Hàng năm, cứ vào ngày 5 Tết Nguyên Đán, nhân dân mọi nơi lại trảy hội về đây dâng cúng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ và ôn lại những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của dân tộc. Họ còn tổ chức các cuộc thi đấu võ, côn quyền, đánh trống... rất đặc sắc. Đặc biệt, tham gia các cuộc đấu võ không chỉ có nam giới mà có cả nữ giới nên hội càng thu hút đông khách tham quan.
Ngày nay, đi dự hội Đống Đa đối với người Hà Nội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.
Anh Tùng