Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể tao TP Hà Nội, các địa điểm văn hóa, tâm linh vẫn sẽ được mở cửa bình thường. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh phức tạp, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện chủ trương theo Chỉ thị 03 /CT - UBND ngày 3/2/2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trong đó, có nêu rõ về việc hạn chế tập trung đông người, hạn chế tổ chức lễ hội. Mọi người vẫn sẽ có thể đi vãn cảnh du xuân và lễ bái đầu năm nhưng số lượng khách đến sẽ bị hạn chế theo đúng quy định của chính quyền.
Cụ thể về quy định số người hay thậm chí có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn là tạm đóng cửa các địa điểm tâm linh là không thể nói trước, bởi diễn tiến của dịch bệnh còn rất phức tạp, thay đổi theo từng ngày, từng giờ.
Từ thực tế quy định trên, nhiều quận, huyện đã có hướng dẫn, tuyên truyền các chùa, đình, đền tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch.
Theo UBND phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên người dân ra vào lễ phủ được hướng dẫn tuân thủ đeo khẩu trang; lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở người dân đảm bảo biện pháp phòng dịch bằng loa hay trực tiếp. Tuy nhiên, từ trưa ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu, người dân về lễ khu vực phủ Tây Hồ ngày càng đông. Để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, Ban quản lý di tích cùng UBND phường Quảng An đã tiến hành tạm đóng cửa để giải tán bớt việc tập trung đông người.
Ông Đỗ Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, trong ngày mùng 1, Phủ Tây Hồ phải cho tạm đóng cửa đến 3 lần để giúp giải tỏa bớt người dân đến cúng lễ. Mỗi lần đóng cửa kéo dài từ 1-2 tiếng cho người dân vãn bớt để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Việc mở cửa trở lại khi lượng người vào không quá đông.
Còn ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa Thể thao quận Đống Đa cho biết, các đền chùa trên địa bàn vẫn được mở cửa nhưng phải tuân thủ nghiêm về quy định phòng dịch. Riêng với lễ hội kỷ niệm 232 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021) hay còn gọi là lễ hội Gò Đống Đa truyền thống hàng năm, UBND cũng đã có công văn thông bảo dừng tổ chức.
Theo ghi nhận, tại các chùa đình đền của Hà Nội, công tác phòng dịch được triển khai nghiêm túc. Anh Nguyễn Hữu Hải, (Cầu Giấy, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc phòng dịch được người dân chấp hành, tuân thủ. Đơn cử như tại chùa Hà, ban tổ chức áp dụng hình thức đo thân nhiệt, thực hiện giãn cách dù có đợi lâu nhưng nhiều người cũng vui vẻ chấp nhận.
Trong khi đó, tại chùa Vạn Niên (đường Lạc Long Quân, Tây Hồ), rất đông người đến lễ và được Ban tổ chức yêu cầu thực hiện sát khuẩn, đeo khẩu trang.
Theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, những ngày đầu năm khi đi lễ chùa, đền, phủ, người dân cần tích cực theo dõi các thông tin cập nhật để biết được tình hình dịch bệnh và có cách đón Tết phù hợp, an toàn. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, tập thể khi tham gia các hoạt động tâm linh, du xuân dịp Tết cổ truyền cần có ý thức tự giác, nghiêm túc thực hiện những điều sau để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đặc biệt, người dân cần thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch theo theo phương châm 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn- Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế.