Bảo tàng ảo tương tác 3D là một trong những giải pháp tích cực góp phần đưa người xem, đặc biệt là giới trẻ đến gần hơn với bảo tàng thực.
Trải nghiệm thú vị
Nhằm đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, ngày 22/8/2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ra mắt Bảo tàng ảo tương tác 3D với hai trưng bày chuyên đề đầu tiên là “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” (địa chỉ: disanvanhoaphatgiao.egal.vn) và “Đèn cổ Việt Nam” (địa chỉ: denco.egal.vn); bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Bảo tàng ảo 3D chụp từ màn hình. |
Với trưng bày tương tác 3D này, ngoài việc được thưởng ngoạn gần 150 hiện vật đang được giới thiệu tại hai khu vực trưng bày thật của bảo tàng, độc giả còn được bổ sung những thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại... của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, những đoạn video clip... minh họa sinh động cho phần trưng bày 3D mà ở phần trưng bày thực tại chưa đáp ứng được. Những công nghệ xử lý hiện đại nhất cho phép người xem có thể xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết của những cổ vật tuyệt đẹp, cảm nhận từng vết rạn, thậm chí phát hiện những chi tiết vô cùng tinh tế mà nếu thưởng thức trực tiếp tại bảo tàng thực sẽ không dễ được trải nghiệm. Ngoài ra, bảo tàng ảo 3D còn cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter... nhằm kết nối với những người yêu bảo tàng trên toàn cầu.
Theo ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với dự án bảo tàng 3D này, những người yêu bảo tàng và muốn tìm hiểu về cổ vật ở Việt Nam sẽ có những trải nghiệm thú vị, khác hẳn với hình thức tham quan bảo tàng theo phương pháp truyền thống.
Ý nghĩa thực từ bảo tàng ảo
Trên thế giới, công nghệ ứng dụng tương tác 3D trong việc xây dựng bảo tàng ảo và bảo vệ di sản đã được áp dụng khá nhiều, tuy nhiên ở Việt Nam đây vẫn là một điều rất mới mẻ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ này. Ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia |
Với gần 200.000 hiện vật từ thời tiền sử đến ngày nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là một trong những bảo tàng có số lượng, loại hình hiện vật phong phú, đa đạng. Việc xây dựng dữ liệu 3D cho các trưng bày chuyên đề với mong muốn lưu giữ và phục vụ công chúng trong trường hợp chưa có điều kiện đến tham quan phần trưng bày thật tại bảo tàng, là một việc làm hết sức ý nghĩa. Giờ đây, không cần trực tiếp đến bảo tàng chỉ cần truy cập vào địa chỉ trang web, khách tham quan sẽ có thể thưởng lãm toàn bộ không gian bảo tàng và tìm hiểu về những bảo vật trưng bày ở đây.
Theo ông Vũ Mạnh Hà, Bảo tàng ảo tương tác 3D là giải pháp công nghệ tối ưu để tuyên truyền về những giá trị của các hiện vật, đồng thời đưa các hiện vật đến gần khách tham quan hơn. Tuy bảo tàng ảo không thể thay thế bảo tàng thật, song nó sẽ là công cụ hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thật, vì các thông tin trên bảo tàng 3D sẽ gợi trí tò mò cho người xem khiến họ muốn đến bảo tàng để xem xét thực tế. “Việc áp dụng công nghệ 3D dưới dạng bảo tàng ảo cho hai trưng bày chuyên đề là bước thử nghiệm đầu tiên để triển khai những bảo tàng ảo tốt nhất trong tương lai. Tiến tới, chúng tôi sẽ đưa những trưng bày chuyên đề dưới dạng bảo tàng ảo tới công chúng, đặc biệt là những công chúng vùng sâu, vùng xa để đồng bào có thể thưởng thức những trưng bày chuyên đề của bảo tàng”, ông Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh.
Ngoài dự án Bảo tàng ảo tương tác 3D, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng sẽ sử dụng công nghệ 3D để xây dựng các phòng khám phá, tương tác, trải nghiệm với các hiện vật, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử..., qua đó khách tham quan có thể thấy được những hình ảnh đa chiều về hiện vật và được tiếp cận với lịch sử theo một cách mới, nhằm đưa lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam đến gần công chúng hơn nữa.
Bài và ảnh: Phương Hà