Huỳnh Anh Tuấn: Sân khấu cũng cần có… bầu Kiên!

Không đẹp trai như nam diễn viên cùng tên, “ông bầu” của sân khấu IDECAF mà mọi người vẫn quen gọi thân mật là Tuấn IDECAF cũng không có cái vẻ bệ vệ, oai phong của một ông chủ. Anh xuất hiện ở những buổi tập, buổi diễn của sân khấu mình xăng xái như một người… phụ việc, và lặng lẽ như một khán giả yêu nghệ thuật. Có lẽ vì sự gần gũi, cởi mở này mà nhiều người trong làng báo vẫn bảo rằng phỏng vấn Tuấn IDECAF rất… sướng, vì anh chịu nói mà nói thẳng, nói thật, nói hay, thậm chí… nói nhiều (nếu khơi trúng mạch).


* Nhiều người thường nói vui rằng IDECAF chỉ cần dựng 4 vở kịch Tết là sống được cả năm. Năm nay, trong khi nhiều sân khấu vẫn đang đau đầu vì thiếu kịch bản mới thì nghe nói IDECAF lại chuẩn bị tung ra nhiều kế hoạch hấp dẫn?


- Tính đến 2/9 vừa rồi thì sân khấu IDECAF đã lên tuổi 14. Trong đó, có những vở diễn đã tồn tại suốt 12, 13 năm như: Cô chủ quán xinh đẹp, Cậu đồng, Trùm lừa…, nhưng sau thời gian dài như vậy thì số suất diễn cũng giảm dần. Chúng tôi sẽ tạm gác lại những vở có thể nói là đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và chuẩn bị một số vở mới bổ sung kịch mục. Sau vài năm, những vở này sẽ được làm mới và quay lại phục vụ lớp khán giả mới.


Như mọi người biết thì hiện nay tìm kịch bản hay rất khó nên lâu lâu có kịch bản ưng ý là chúng tôi “bụp” liền. Quyền lực tình yêu là kịch thơ vừa ra mắt. Trong tháng này, chúng tôi đưa Hoàng đế cờ lau lên sàn. Đây là vở kịch lịch sử biểu diễn thường xuyên phục vụ thiếu nhi chứ không theo mùa như chương trình Ngày xửa ngày xưa. Còn một kế hoạch lớn là Vua thánh triều Lê, xem như là “hậu” Bí mật vườn Lệ Chi, sẽ đem ra Nhà hát Bến Thành, để dành kỷ niệm lễ 30/4 sang năm.


“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn


* Xem chừng kế hoạch sắp tới của IDECAF toàn là chính kịch, lại mang đề tài lịch sử, cả chính sử lẫn dã sử, kịch người lớn lẫn thiếu nhi. IDECAF đang muốn phiêu lưu hay khán giả đã chán… cười?


- Nếu theo dõi suốt quá trình hoạt động của IDECAF, có thể thấy chúng tôi luôn cố gắng giữ tỷ lệ bi kịch ở mức 40%. Tuy có những năm phải đẩy tỷ lệ lên 8 - 2 nghiêng về hài kịch là do nhu cầu của khán giả buộc phải vậy - rất cần sự giải trí trong đời sống công nghiệp ở một giai đoạn nào đó. Một vấn đề ảnh hưởng nữa là tìm kịch bản hài đã khó, kịch bi càng khó hơn. Bi kịch, chính kịch nếu làm không tới thì chán lắm. Như Quyền lực tình yêu, vấn đề đặt ra… mỏng thôi. Nếu không có y trang, âm nhạc, ánh sáng, không có bàn tay xử lý tài tình của đạo diễn, tài hóa thân của diễn viên thì rất khó nên hình hài một vở diễn. Chúng tôi nhận được nhiều kịch bản lắm, cũng có những đề tài tâm lý, chính luận, nhưng câu chuyện cứ lưng lửng, không nói được cái gì hết, trong khi khán giả giờ đây nhu cầu ngày càng cao, đòi hỏi tác phẩm càng chất lượng. Bản thân IDECAF cũng luôn ý thức giữ “cái gu” của mình. Dựng chính kịch, bi kịch tuy có kén khán giả nhưng vẫn thấy… sướng. Hiện nay, chúng tôi vẫn nỗ lực lấy ngắn nuôi dài, “thiếu nhi nuôi người lớn”, hài kịch nuôi chính kịch, mà những vở hài cũng không đơn thuần chỉ để cười, vẫn phải gửi gắm tư tưởng gì đó.


* Từ trước đến nay, tác phẩm nghệ thuật đề tài lịch sử thường rất “khó nhằn”. Sắp tới IDECAF lại tung ra hàng loạt vở lịch sử. Anh thật sự không ngại khó?



“Tức cười nhất là có một nhà sử học nữ đã đi so sánh Nguyễn Thị Lộ với… Võ Thị Sáu. Bà ấy bức xúc tại sao lại ca ngợi Nguyễn Thị Lộ như thế, Nguyễn Thị Lộ có công cán gì trong khi Võ Thị Sáu là anh hùng mà lại không ca ngợi. Một nhà nghiên cứu sử mà nghĩ được như vậy thì… trời ơi là trời!” - “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn bức xúc.

- Cái khó cơ bản nằm ở phần tư liệu: đó là những yếu tố y trang, âm nhạc, hình thức, chi tiết lịch sử… để làm nên cái cốt cho tác phẩm. Khó, nhưng không khó khắc phục. Vấn đề mấu chốt nằm ở những nhà quản lý và học thuật, những nhà chính trị, những bậc sử gia. Họ quá khắt khe, xét nét với những sáng tạo lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật mang đề tài lịch sử. Khán giả thực sự không khó, nhưng những người này lại cực kỳ khó tính. Họ quên rằng tác phẩm nghệ thuật lấy đề tài lịch sử không phải là một cuốn sách giáo khoa lịch sử mà cần phải có những hư cấu, sáng tạo. Biên độ hư cấu làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Dĩ nhiên hư cấu không có nghĩa là xuyên tạc, vẫn phải bám trên một cái lõi chính sử vững chắc. Hư cấu chủ yếu khai thác những “điểm mờ” lịch sử để lại. Mà ai cũng biết vì nhiều lý do mang tính lịch sử mà lịch sử Việt Nam mình rất nhiều các “điểm mờ”. Đáng lẽ đó phải được xem là niềm cảm hứng vô tận cho những người làm nghệ thuật thì ngược lại sự khe khắt, săm soi, áp đặt của các vị ấy đôi khi khiến chúng tôi nản lòng. Sau “sự cố” Bí mật vườn Lệ Chi, rồi đến Ngàn năm tình sử “bị đòn”, Thành Lộc và tôi đã từng nói từ đây về sau sẽ không bao giờ đụng đến đề tài lịch sử nữa. Nhưng nghĩ lại, đã trót đam mê, đã muốn thực sự làm nghề thì phải làm thôi, nhất là khi IDECAF lại xuất thân từ sân khấu thiếu nhi, luôn muốn hướng đến tính giáo dục.



* Chắc những “kinh nghiệm xương máu” với Bí mật vườn Lệ Chi và Ngàn năm tình sử đã giúp IDECAF tìm ra “chìa khóa” giải quyết rắc rối?


- Cũng không hẳn, vì xét kỹ ra thì chuyện của Bí mật vườn Lệ ChiNgàn năm tình sử lại không nằm thuần túy ở vấn đề sử học mà thiên về những yếu tố “phi nghệ thuật” nhiều hơn. Như Bí mật vườn Lệ Chi ra mắt rất thành công, khán giả, báo chí đều khen ngợi, ủng hộ. Phải đến hơn 50 suất diễn, chuẩn bị truyền hình trực tiếp ở Nhà hát TP.HCM, thì mới bị ngưng. Bí mật vườn Lệ Chi thực sự là dự án tâm huyết của IDECAF nên chúng tôi đã chấp nhận “chùi” đi một số chi tiết bị bắt bẻ (dù nó vẫn được xác nhận trong chính sử, giả thuyết đưa ra vẫn được nhiều nhà sử học công nhận) để vở có thể “hồi sinh” sau gần 5 năm cất kho.


Còn Ngàn năm tình sử cũng rất “đau” khi trước ngày IDECAF ra quân ở hội diễn là có một bài báo “đập hoành tráng”. Dù chỉ phê phán tác giả nhưng cũng gây ảnh hưởng tới vở diễn, tới tinh thần anh em. Vậy mà cũng kịch bản đó, của tác giả đó khi được sân khấu ngoài Hà Nội dàn dựng thì “êm ru”, lại nhận được giải thưởng Vở diễn sân khấu xuất sắc của năm. Sao lại có sự phân biệt như vậy? Chúng tôi rất mất niềm tin và sẽ không muốn tham gia bất cứ hội diễn nào nữa. Liên hoan sân khấu hài sắp tới, sân khấu IDECAF không tham gia, có nhiều dư luận không hay rằng IDECAF “chảnh”, có ý đồ này nọ nhưng thực sự chúng tôi chỉ muốn làm nghề, không muốn bị “lừa” nữa.



* Anh chán hội diễn thế cơ à?


- Hội diễn vốn dĩ phải là nơi hội tụ tinh hoa nghề nghiệp để người làm nghề đúc kết kinh nghiệm, hướng tới sự phát triển chung cho nghệ thuật chứ không phải là nơi phát sinh tiêu cực, gây nhiều điều tiếng như hiện nay (chính báo chí cũng đã lên tiếng nhiều). Vừa rồi tôi rất tâm đắc với những phát biểu của bầu Kiên trước VFF. Ước gì các ông bầu sân khấu xã hội hóa cả trong Nam lẫn ngoài Bắc cũng cùng ngồi lại với nhau, cùng nói thẳng, nói thật, mổ xẻ những “trái tai gai mắt”, tìm hướng đi cụ thể để phát triển sân khấu. Chứ tôi quá ngán kiểu đại hội sân khấu vừa qua, 3 ngày thì hết 5 buổi báo cáo thành tích và “giành ghế”. Không thấy ai nói đến đời sống nghệ sĩ ra sao, nghệ sĩ có đói không, đường hướng phát triển nghệ thuật, hay đầu tư cơ sở vật chất như thế nào… Sân khấu cũng cần có những bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng… dám nói dám làm, nếu cần thì tách hẳn ra một cuộc chơi mới nếu thấy cuộc chơi cũ là tiêu cực, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.


Sân khấu IDECAF ra đời từ sân khấu múa rối cạn Nụ cười, rồi múa rối nước Nụ cười, đến kịch thiếu nhi IDECAF và cuối cùng là kịch người lớn IDECAF. Hiện tại, các sân khấu này đang “xoay vòng nuôi nhau”. Những vở chính kịch lớn như Ngàn năm tình sử “sống” được (và đã thu hồi được 3/4 vốn) phải rất “cảm ơn” sự “đỡ đần” của Ngày xửa ngày xưa. IDECAF đang có kế hoạch “bung ra” các tỉnh. Múa rối đã có mặt ở miền Tây và miền Trung. Sắp tới, kịch nói cũng sẽ “tiến quân” ra Đà Nẵng, mà tiên phong là chương trình kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa nhằm gầy dựng lớp khán giả xem kịch tại địa phương.



Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN