Kết nối văn hóa đọc từ không gian cà phê sách

Tuy xuất hiện chưa lâu và phát triển một cách tự phát nhưng thú vui đến các quán cà phê để đọc sách đã và đang trở thành một trào lưu, một nét văn hóa đẹp ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những hình thức góp phần cải thiện văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Chú thích ảnh
Các gian hàng tại đường sách ở TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi dịp Tết nguyên đán 2019. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Sách kết nối tâm hồn

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 20 mô hình quán cà phê sử dụng sách làm thương hiệu chính thức cho quán của mình. Tiên phong cho mô hình này có thể kể đến quán cà phê sách Ciao trên đường Ngô Đức Kế (Quận 1). 

Cà phê sách được chia làm hai loại, một loại lấy cà phê là chính, sách chỉ phụ thêm như các quán The Lif Coffee, Huy Hoàng Book Store, Cafe Sách – Snownbell, Monologues…Loại thứ hai dùng sách làm chính, cà phê chỉ là phần phụ, nổi bật trong số các quán dạng này là chuỗi cà phê đọc sách của Nhã Nam Thư Quán (quận Phú Nhuận) hay Nhà sách Cá Chép (Quận 3) và Nhà sách Hải An (Quận 1)…

Bên cạnh các mô hình cà phê kết hợp sách, tiệm cà phê sách “Sài Gòn năm xưa” nằm trên đường Nguyễn Khắc Nhu (Quận 1) đang là địa điểm thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến thưởng trà, đọc sách, đặc biệt là chương trình “Uống cà phê trả tiền bằng sách” diễn ra vào chủ nhật hàng tuần. Tiệm có hơn 1.500 đầu sách khác nhau, chia làm hai kệ dựng ở khu vực phía trước quán. Một kệ là sách dành tặng khách đến uống cà phê, còn một kệ dùng để đổi sách, khách hàng tới uống cà phê mang đến cuốn sách của mình và được đổi cuốn sách khác của quán mang về đọc. 

Mô hình “Uống cà phê trả tiền bằng sách” này là ý tưởng của anh Lê Bá Tân (33 tuổi), người từng có hơn 4 năm làm giáo viên Trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh Lê Bá Tân cho biết, tiệm sách đi vào hoạt động từ năm 2019 tuy nhiên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tưởng chừng phải đóng cửa nhưng được sự hỗ trợ từ chủ cho thuê mặt bằng và nhiều người nên anh Lê Bá Tân tiếp tục duy trì quán.

Trước khi chuyển sang bán sách cũ, toàn thời gian anh hầu như gắn bó với sách. Những lúc thưa khách, anh phân loại hoặc sửa lại những quyển sách cũ bị hỏng. Anh mong rằng, khách hàng của mình sẽ được trải nghiệm những kiến thức giá trị trong từng trang sách.

Trong không gian cà phê sách cũ này, nhiều bạn trẻ có cơ hội được kết nối và chia sẻ cùng nhau những chủ đề sách ưa thích. Bạn Vũ Minh Trang (20 tuổi, Quận 4) cho biết, cứ cuối tuần là cả nhóm em hẹn ra tiệm để đổi sách cho nhau, đồng thời đổi sách với tiệm. Tiệm cà phê sách “Sài Gòn năm xưa” đã lan tỏa một tình yêu đọc sách và khơi gợi nhiều cảm hứng để các bạn trẻ duy trì thói quen đọc sách, tìm hiểu kiến thức giữa thời kỳ bùng nổ mạng xã hội, công nghệ nghe nhìn.

Tương tự, theo chị Đặng Thu Dung (28 tuổi, Quận 12), đây là mô hình lạ, dù biết nhiều quán cà phê sách ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng uống cà phê trả tiền bằng sách thì chỉ có ở “Sài Gòn năm xưa”. Khi đến đây, các bạn trẻ không chỉ nhận được một phần đồ uống miễn phí phục vụ tại quán, được đọc cuốn sách mình thích mà những cuốn sách cũ của họ mang tới còn đem lại niềm vui cho người khác. Đồng thời, việc trao đổi sách này tạo nên một môi trường cho những người yêu sách cùng trao đổi và chia sẻ kiến thức.

“Giữ lửa” văn hóa đọc

Có thể nói, vai trò của sách trong sự phát triển tri thức của con người là không thể phủ nhận. Để phát triển văn hóa đọc, mô hình cà phê sách trở thành một trong những ý tưởng sáng tạo đã và đang đáp ứng yêu cầu cũng như sự lựa chọn của những người yêu sách, đặc biệt là thế hệ trẻ. Với nhiều người, đọc sách tại các quán cà phê là một thói quen mang đến nhiều điều thú vị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, trở thành một điểm sáng văn hóa trong việc xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh.

Bạn Lê Quỳnh Thi (quận Phú Nhuận) chia sẻ, trước đây, bản thân vốn không thích đọc sách, chỉ hay xem phim, nghe nhạc và thích các hoạt động vui chơi ngoài trời. Tình cờ biết đến mô hình cà phê sách, từ đó, thói quen giải trí của bạn cũng thay đổi dần và ngày càng thích đọc sách hơn. Tương tự, vào những ngày cuối tuần, chị Lương Thu Ngọc (Quận 5) thường dẫn hai con đến các không gian sáng tạo và quán cà phê sách để thư giãn. Chị Ngọc cho biết, cà phê sách hay những không gian tương tự như vậy là nơi không quá gò bó, giúp con trẻ vừa được vui chơi vừa rèn luyện thói quen đọc sách từ nhỏ.

Chủ quán cà phê sách Slowee Coffe & Books (quận Tân Bình) cho biết, quán luôn giữ một lượng khách hàng ổn định, sáng chủ yếu là khách văn phòng, ăn sáng, uống cà phê sau đó đi làm; từ giữa trưa đến chiều tối đa phần là sinh viên. Là một người yêu sách, anh mong muốn quán của mình sẽ góp một phần nhỏ trong việc nâng cao văn hóa đọc cho giới trẻ. 

Nói về mô hình kinh doanh này, chủ không gian Hub Book Cafe (quận Tân Bình) chia sẻ, cà phê sách thực chất là mô hình dịch vụ mở, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh, vừa đảm bảo việc phục vụ sách báo cho bạn đọc. Những năm qua, hầu hết các thư viện công cộng đều quan tâm, chú trọng duy trì mô hình cà phê sách sao cho hiệu quả.

Để duy trì và phát triển mô hình cà phê sách, Tiến sỹ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các chủ quán cà phê sách cần phối hợp với hệ thống thư viện Thành phố để lựa chọn đầu sách phù hợp với đối tượng người đọc; đồng thời thiết kế không gian thoáng mát, yên tĩnh, ấm cúng; sắp xếp chỗ ngồi và cách phục vụ nước uống. Từ đó, tạo được sự thoải mái, thư giãn; trở thành nơi thưởng thức cà phê và đọc sách lý tưởng. Bên cạnh đó, các địa điểm cà phê sách cũng nên quan tâm tổ chức các sự kiện liên quan đến sách như: giao lưu tác giả – tác phẩm, tọa đàm, giới thiệu ấn phẩm mới…. 

Đồng quan điểm, theo bà Lê Thị Thu Huyền, Phó Tổng giám đốc Công ty Fahasa – Công ty phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh việc phát triển các mô hình cà phê sách, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này trong thư viện công cộng, đảm bảo để mô hình này thực sự đáp ứng nhu cầu đọc, thông tin, giải trí của đông đảo độc giả. Theo đó, các thư viện cũng cần lưu ý việc chỉnh trang, làm mới không gian cà phê sách trong thư viện, cần nghiên cứu và đầu tư để cà phê sách thực sự là không gian văn hóa ấn tượng với bạn đọc.

Thu Hương (TTXVN)
Phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị
Phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 4025/CTPH-BVHTTDL-HNMVN giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Hội Người mù Việt Nam về phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời cho người khiếm thị và hướng tới kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hội Người mù Việt Nam tổ chức cuộc thi "Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương" năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN