Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối bị san lấp. Ảnh: Nguyễn Văn Huy
|
Di chỉ 3.500 năm kêu cứu
Những ngày này, người dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội), nơi có di chỉ khảo cổ Vườn Chuối với niên đại 3.500 năm đang mòn mỏi kêu cứu khắp nơi, hy vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giữ lại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đang bị một công ty đổ phế thải và san lấp.
Ông Nguyễn Phú Cường, người dân thôn Lai Xá cho biết, khu vực di chỉ khảo cổ Vườn Chuối đang bị phế thải san lấp toàn bộ nửa bên này, những di chỉ cũ nằm bên dưới phải tới 2m đất tính ở phần cao nhất, còn phần nền trũng cũ, thì độ cao đó phải lên tới 4 - 5m. Bên cạnh đó, một con đường bê tông cắt ngang lên di chỉ khảo cổ, chia khu vực di chỉ Vườn Chuối thành hai phần. Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, việc san lấp phế thải bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán, hiện đã lấp khoảng 2.000 m2, phủ kín các hố khảo cổ.
Tại cuộc tọa đàm khoa học về việc đánh giá và bảo tồn di tích Vườn Chuối mới đây, do Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, di chỉ Vườn Chuối có diện tích khoảng 19.000 m2, được phát hiện và khai quật khảo cổ lần đầu năm 1969. Tính đến nay, các nhà khảo cổ đã thực hiện 8 đợt khai quật khảo cổ, với diện tích khoảng 800m2.
Trong những lần khai quật khảo cổ này, các nhà khoa học đã phát hiện di chỉ này tồn tại 3 tầng văn hóa liên tiếp, từ văn hóa Đồng Đậu (3.500 - 3.000 năm), văn hóa Gò Mun (3.000 - 2.500 năm) cho đến văn hóa Đông Sơn (2.500 - 1.800 năm) cách ngày nay. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát hiện hàng vạn mảnh gốm, hàng nghìn hiện vật gỗ, hàng trăm hiện vật đồng, sắt... Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy rất nhiều tàn tích động vật như ở đây như xương cốt của voi châu Á, trâu bò..., những dấu tích liên quan đến nghề đúc đồng ở đây khá đậm đặc như là sỉ đồng, giọt đồng, thỏi đất nung, khuôn đúc bằng đá... Đoàn khai quật còn tìm thấy 28 mộ táng của cư dân văn hóa Đông Sơn, có dấu vết quan tài gỗ. Hiện một số mẫu xương đã được đoàn khảo cổ chuyển đi Australia để giám định ADN, xác định chế độ dinh dưỡng... của cư dân thời kỳ này.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là một phức hệ của rất nhiều các di chỉ khảo cổ gần kề nhau, như di chỉ Gò Mỏ Phượng, Gò Chùa Do, Gò Chiền Vậy, Gò Rền Rắn. Phức hệ các di chỉ khảo cổ này thuộc thời đại Hùng Vương, phản ánh quá trình định cư và sinh sống của những cư dân đầu tiên trên địa bàn Hà Nội, kéo dài suốt từ 4.000 năm cho đến 1.800 năm cách ngày nay. “Đây là một di chỉ khảo cổ vô cùng độc đáo và giá trị. Ngay cả trên thế giới, cũng hiếm có di chỉ khảo cổ nào lại tồn tại cả không gian của người sống và không gian của người chết, lại có niên đại sâu và nhiều tầng văn hóa dày như vậy”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy khẳng định.
Tan hoang khu di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Nguyễn Văn Huy
|
Khẩn cấp bảo vệ di sản
Một di chỉ khảo cổ hiếm hoi, có niên đại sâu như vậy, nhưng cả một thời gian dài, di chỉ Vườn Chuối hầu như không được biết đến. Dù các nhà khoa học, các nhà khảo cổ đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng bảo vệ di chỉ khảo cổ quý giá này, nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa có phương án bảo tồn, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối cũng chưa được đưa vào danh mục kiểm kê di tích của Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội.
Không những thế, năm 2007, tỉnh Hà Tây (cũ) đã giao cho Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, với tổng diện tích 145,8 ha bao trùm lên cả di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Và thế là, di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối nằm trên đất sở hữu của doanh nghiệp, khiến nhiều người lo ngại nguy cơ xóa sổ di chỉ này. Đến khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, chủ đầu tư phải tuân thủ quy hoạch chung của Thủ đô, thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị.
Tuy nhiên, theo bà Đoàn Thị Thanh Thảo, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, trong bản điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mà chủ đầu tư đã trình Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, chủ đầu tư không hề đề cập đến di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc đang thẩm định, lấy ý kiến của các ngành liên quan để sắp tới trình thành phố phê duyệt. Nếu ngành Văn hóa không nhanh chóng tham gia ý kiến vào bản điều chỉnh quy hoạch khu đô thị, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối sẽ không có cơ sở để đề xuất bảo tồn.
Trong khi đó, từ tháng 12/2017, đơn vị thi công dự án Khu đô thị đã bắt đầu đổ phế thải lên khu vực di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, người dân trong khu vực đã phản ánh, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng cần khẩn cấp bảo vệ di chỉ này. PGS.TS Nguyễn Văn Huy còn gửi tâm thư đến lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc bảo tồn khẩn cấp khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối trước nguy cơ bị phá hủy.
Tháng 12/2017, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Vietracimex bảo vệ và giữ nguyên hiên trạng khu vực di chỉ Vườn Chuối, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ. Văn bản ban hành đến nay đã được 8 tháng, nhưng vẫn chưa có cơ quan chính quyền, tổ chức văn hóa nào đến gặp, làm việc với Tổng công ty này. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, hai lần toạ đàm, hội thảo có gửi giấy mời, nhưng đại diện công ty không đến. Cũng không ai biết, giấy mời có đến tay người có trách nhiệm hay không! Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn tiếp tục đổ phế thải, san nền hàng mét và chuẩn bị dựng nhà...
Vậy là, dù ai cũng biết giá trị lịch sử của khu di chỉ Vườn Chuối 3.500 năm. Ai cũng hiểu việc cứu di chỉ Vườn Chuối là khẩn cấp... tuy nhiên, đến nay, di chỉ Vườn Chuối vẫn đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. “Nếu Hà Nội không nhanh chóng đưa di chỉ vào diện kiểm kê di tích và bảo tồn, mà để di chỉ bị san lấp, rồi xây dựng đô thị, đó sẽ là một tội ác lớn đối với lịch sử của dân tộc Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bức xúc nói.