Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Thanh Tuyền nhấn mạnh, hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ thân thế, quá trình hoạt động yêu nước của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm; vai trò và ảnh hưởng của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm với phong trào yêu nước chống Pháp, đặc biệt là mối quan hệ giữa Kỳ Đồng với khởi nghĩa Yên Thế; Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm trong truyền thống của huyện Hưng Hà nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung. Các đại biểu dự hội thảo cũng đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá tại quê hương của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm ở huyện Hưng Hà.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đưa ra những phân tích, nhận định về cuộc đời cũng như sự nghiệp, tài năng, lòng yêu nước của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm.
Kỳ Đồng tên thật là Nguyễn Văn Cẩm sinh ngày 8/10/1875 tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, tỉnh Hưng Yên, nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sinh thời ông vốn có tư chất thông minh, sớm bộc lộ tài năng văn chương, nhất là tài ứng đối đặc biệt. Ông đã được vua Tự Đức sắc phong là Kỳ Đồng (nghĩa là cậu bé kỳ lạ).
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Thị Thuý (Viện Sử học Việt Nam) cho rằng, những cuộc nổi dậy trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX chống thực dân Pháp của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm khởi xướng đều có tính chất đặc biệt. Điển hình như cuộc nổi dậy vào cuối năm 1897 tại các tỉnh duyên hải Bắc Kỳ.
Năm 1887 khi tổ chức chống lại việc chiếm đóng Nam Định của Pháp, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm bị đưa sang Alger (là thuộc địa của Pháp lúc đó). Sau một thời gian sinh sống và học tập tại Alger, năm 1896, Kỳ Đồng về nước. Mặc dù được Pháp ưu ái, mua chuộc nhưng Kỳ ĐồngNguyễn Văn Cẩm luôn nhất mực yêu nước, quyết chí chống lại thực dân Pháp. Ông luôn nuôi chí lớn với tinh thần “đánh Tây, diệt Nguyễn”, chuẩn bị lực lượng nổi dậy đánh Pháp. Mặc dù những cuộc nổi dậy của ông thất bại nhưng đã để lại tiếng vang và tầm ảnh hưởng với những phong trào tại Bắc Kỳ sau này.
Với lòng yêu nước và nhiều hành động phản đối chính quyền thực dân xâm lược, năm 1898, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm bị thực dân Pháp đưa đi đày. Ông mất ngày 17/7/1929 tại đảo Tahiti (thuộc quần đảo Polynésie- Pháp).
Tại hội thảo, các nhà khoa học đều thống nhất quan điểm Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm là một trong những nhà yêu nước tiêu biểu trong phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ông đã xây dựng mối liên hệ mật thiết với các lực lượng yêu nước Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng và Trung du Bắc kỳ, tiêu biểu là hoạt động tiếp tế lương thực cho nghĩa quân Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, địa phương cần sớm nghiên cứu xây dựng đền thờ Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm tại nơi ông sinh ra thuộc xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà ngày nay nhằm ghi nhớ công lao và khẳng định vai trò lịch sử của ông đối với phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.