Khơi nguồn sức mạnh từ những lễ hội tại Hải Phòng

Nhân lên niềm tự hào về quê hương, đất nước, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, kết nối bạn bè trong nước, quốc tế là những giá trị to lớn từ các lễ hội tổ chức trong suốt cả năm, đặc biệt là dịp đầu Xuân tại Hải Phòng.

Độc nhất Hội Minh Thề 

Chú thích ảnh
Đọc hịch văn Minh Thề tại Lễ hội Minh Thề, xã Thuận Thiên, huyện Kiên Thụy, Hải Phòng. Ảnh TTXVN phát

Ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão, nhân dân tại xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy và du khách trong, ngoài thành phố Hải Phòng hào hứng về Khu di tích lịch sử văn hóa đền, chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên) dự Hội Minh Thề- Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ông Phạm Văn Tài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thuận Thiên cho biết, lễ hội được tổ chức nhằm bày tỏ tình cảm, sự biết ơn Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung). Sinh thời, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đến ấp Lan Niểu (thôn Hòa Liễu ngày nay) vận động nhân dân cầy cấy, tu tạo lại đình chùa. Đặc biệt, năm 1561, Thái Hoàng Thái Hậu và dân làng lập ra hịch văn Hội Minh Thề, với những giá trị lớn lao về đạo đức, lối sống, phép tắc ứng xử trong cộng đồng. Hịch văn Hội Minh Thề rất ngắn gọn, súc tích, quy định trực tiếp những điều được làm, phải làm và không được làm cho tất cả thành phần từ hương chức đến người dân. Trải qua biến cố, thăng trầm của lịch sử, năm 2002, Hội Minh Thề chính thức được khôi phục trên nền cốt của Hội Minh Thề xưa.

Các hoạt động trong lễ hội mang những giá trị sâu sắc, độc đáo, đặc biệt có tính thời sự về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng, chống tham nhũng lãng phí cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Lễ hội cũng góp phần giáo dục, định hướng nhân cách sống, phẩm chất đạo đức trung thực, chí công vô tư. "Đây còn là sợi dây kết nối tình làng, nghĩa xóm, tình yêu thương đùm bọc, tinh thần tương thân tương ái trong xã hội, cộng đồng làng xã, làm phong phú thêm nét văn hóa miền quê đất Cảng", ông Phạm Văn Tài khẳng định.

Giá trị văn hóa, lịch sử bồi đắp cho hiện tại

Chú thích ảnh
Từ Lương Xâm, nơi thờ Đức Vương Ngô Qyền tại phường Nam Hải, quận Hải An, Hải Phòng. Ảnh Minh Thu

Theo ông Trịnh Văn Tú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao thành phố, Hải Phòng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với 531 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà, Di tích Lịch sử đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm) và 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Gắn với 10 di sản này có tới 9 lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có khoảng 500 lễ hội quy mô khác nhau.

Một lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia khác cũng tổ trong tháng Giêng năm 2023 là lễ hội Từ Lương Xâm, do quận Hải An tổ chức trong các ngày 15, 16 và 17 để kỷ niệm 1085 năm chiến thắng Bạch Đằng (năm 9) và  1079 năm Ngày mất của Đức vương Ngô Quyền.

Theo tư liệu của quận Hải An, khu vực Từ Lương Xâm ngày nay (thuộc phường Nam Hải) là nơi đóng quân của Đức Vương Ngô Quyền 1085 năm về trước. Tại đây, người dân lập miếu, đền, từ để thờ tự Đức Vương Ngô Quyền. Trên vùng đất An Dương cổ (một phần quận Hải An ngày nay) có 4 ngôi từ thờ Đức Vương Ngô Quyền được gọi là “Tứ linh từ”. Với giá trị kiến trúc cũng như vị trí, Từ Lương Xâm được suy tôn là “Từ cả”. Năm 1986, Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội Từ Lương Xâm được tổ chức vào các ngày 15, 16, 17 tháng Giêng để tưởng nhớ Ngày mất của Đức Vương Ngô Quyền và giáo dục truyền thống tại địa phương.

Tham dự Lễ hội Từ Lương Xâm, ông Nguyễn Quốc Khánh, tổ dân phố số 2, phường Nam Hải, quận Hải An tự hào khi ngay trên địa bàn có lễ hội tưởng nhớ chiến công oanh liệt của Đức vương Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc Việt Nam.

Cùng với các lễ hội được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, các lễ hội khác được tổ chức trên địa bàn Hải Phòng luôn là những hoạt động ý nghĩa bồi đắp giá trị văn hóa, lịch sử đối với người dân thành phố. Các lễ hội còn góp phần khẳng định hình ảnh một thành phố năng động, thích ứng linh hoạt, phát triển trong giai đoạn hiện nay đến với bạn bè trong nước, quốc tế, đặc biệt là Lễ hội Hoa Phượng đỏ do thành phố Hải Phòng tổ chức từ năm 2013.

Trong tháng 5/2023, Lễ hội Hoa Phượng đỏ được tổ chức với chủ đề “Hải Phòng - Tỏa sáng miền cửa biển”. Theo Ủy ban nhân dân thành phố, các hoạt động trong lễ hội sẽ khắc họa hình ảnh Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng Duyên hải phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đây là một trong 3 đầu tàu thúc đẩy phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với vị trí này, Hải Phòng có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp nhận các thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới và là môi trường lý tưởng để bạn bè trong nước, quốc tế đến đầu tư, làm việc, sinh sống và đón nhận nơi này như quê hương thứ hai.

Minh Thu (TTXVN)
Lễ hội hoa đăng chào mừng 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum
Lễ hội hoa đăng chào mừng 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum

Tối 8/2, tại Quảng trường 16/3, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum phối hợp với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình Lễ hội Khinh khí cầu; Hội hoa đăng rồng lửa và Chương trình ca nhạc đặc biệt chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum và thành phố Kon Tum được công nhận là đô thị loại II.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN