Các dịch vụ lễ hội cũng tuân thủ đúng quy định, mang đến cho du khách không gian yên ả khi về với đền Trần. Công tác tổ chức khai ấn, phát ấn thực sự có những chuyển biến rõ nét là cảm nhận chung của người dân và du khách khi đến đền Trần trong dịp lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019.
Trước đây, lễ khai ấn còn xảy ra một số hình ảnh phản cảm với những “cơn mưa” tiền bay về phía kiệu ấn khi đoàn rước kiệu vào khu vực hành lễ ở sân đền Thiên Trường. Hơn thế, sau khi kết thúc nghi lễ khai ấn, thường xảy ra tình trạng hỗn loạn, người dân trèo tường, vượt hàng rào an ninh để vào bên trong tranh giành nhau đồ thờ cúng trên các ban thờ. Các loại hình dịch vụ ăn theo lễ hội như: Đổi tiền lẻ, bán hàng, ăn xin cũng tranh thủ thời điểm đông người để “chặt chém”, gây phiền hà cho du khách. Đặc biệt, việc đưa tiền lấy ấn khiến nhiều người có cảm giác như một cuộc “mua - bán” hơn là đang đi xin lộc đầu năm...
Mùa lễ hội năm nay, với những nỗ lực thực hiện đổi mới hoạt động lễ hội của chính quyền địa phương, ban tổ chức, những hành vi phản cảm ở lễ hội khai ấn đền Trần đã dần được ngăn chặn.
Đã nhiều năm tham dự lễ khai ấn đền Trần, chị Nguyễn Lan Phương đến từ Hà Nội nhìn nhận, năm nay dù vẫn còn một số người thiếu ý thức, cố tình ném tiền về phía kiệu ấn, nhưng con số này không đáng kể. Trong lễ khai ấn đã không còn hành vi cướp lộc trên ban thờ. Dù có hàng vạn người dồn về đền Trần, song lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã đảm bảo tuyệt đối an toàn, trật tự, không để các loại hình dịch vụ ăn theo lễ hội làm phiền nhân dân, du khách về đi lễ, xin lộc ấn đầu năm.
Theo anh Vũ Thanh Bình, du khách đến từ thành phố Thanh Hóa, nhiều năm qua, mỗi dịp khai ấn, gia đình đều về đền Trần đi lễ và xin ấn. Đến lễ hội năm nay, mọi người cảm nhận rõ sự thay đổi về cảnh quan, vệ sinh môi trường sạch sẽ hơn, hàng quán được sắp xếp theo khu vực riêng, nhất là đã không còn thấy “đội quân” ăn xin nằm lê la dọc đường xin tiền. “Lễ khai ấn, phát ấn không còn diễn ra cảnh hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau, đây là thành công của ban tổ chức. Nhà đền cũng đã tiếp thu, khắc phục phản ánh của nhân dân về việc đưa tiền, nhận ấn bằng cách đặt các hòm công đức tại địa điểm phát ấn để mọi người tùy tâm công đức và nhận lộc ấn, nên người xin ấn cảm thấy rất thoải mái”, anh Bình đánh giá.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại 3 địa điểm phát ấn trong khu vực đền Trần từ ngày phát ấn (5 giờ ngày Rằm tháng Giêng) đến ngày 18 tháng Giêng không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy như một số năm trước đây. Ban Tổ chức thông tin, đã chuẩn bị đủ lượng ấn và sẽ tiến hành phát cho nhân dân, du khách cho đến khi hết ấn, do đó lượng người về xin ấn trong những ngày đầu phát ấn không quá đông và dồn dập.
Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban Tổ chức lễ khai ấn đền Trần cho biết, trong thời gian trước, trong và sau lễ khai ấn, cả quá trình phát ấn, Ban Tổ chức thường xuyên duy trì lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ lễ hội và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định trong hoạt động lễ hội.
Theo các tư liệu lịch sử, vào ngày 14 tháng Giêng tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và thưởng công, phong tước cho các quan, quân có công trong việc đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức khai ấn để tế lễ trời đất, tổ tiên; phong chức tước cho những người có công và mở đầu cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền nhà Trần.
Sau này, trên nền phủ Thiên Trường nhân dân đã xây dựng khu di tích đền Trần để thờ 14 vị vua nhà Trần, Trần Hưng Đạo cùng các quan văn, võ; đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông xã tắc.
Nghi lễ khai ấn được tổ chức mang ý nghĩa nhân văn là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn “Tích phúc vô cương”, cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất hăng say hơn.