Giám đốc Thư viện tỉnh Kiên Giang Lê Thị Thanh Thủy cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, ngoài tạo điều kiện cho bạn đọc mượn sách báo về nhà, Thư viện tỉnh còn tích cực tuyên truyền văn hoá đọc qua các phương tiện truyền thông như: Báo, đài, trang website, mạng xã hội. Tiết mục Thư viện Truyền thanh do Thư viện tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang vẫn duy trì phát sóng rộng khắp trên loa phát thanh của 3 thành phố và 12 huyện trong tỉnh vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần, lúc 5 giờ 45 phút và 11 giờ 45 phút. Bên cạnh đó, chương trình Tạp chí Thư viện Kiên Giang được phát vào 18 giờ 40 phút tối Chủ nhật đầu mỗi tháng (12 số/năm). Nội dung chương trình phong phú với các chuyên đề về biển đảo quê hương, Bác Hồ, lịch sử và các ngày lễ lớn như lễ Quốc khánh 2/9, ngày 20/10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12… và tổng hợp các hoạt động nổi bật của Thư viện trong mỗi tháng.
Đặc biệt, trang Fanpage Thư viện tỉnh Kiên Giang đã mở thêm chuyên mục mới được mang tên “Mỗi ngày một quyển sách” hàng ngày giới thiệu những quyển sách mới, sách hay, sách chuyên đề bảo vệ sức khỏe… Qua đó, mong muốn những câu chuyện, bài học cũng như những kiến thức bổ ích sẽ góp phần giúp bạn đọc bớt lo lắng và lạc quan hơn, phòng chống dịch COVID-19 an toàn và hiệu quả.
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, Thư viện tỉnh Kiên Giang được xây dựng mới tại khu đô thị lấn biển thành phố Rạch Giá với tổng diện tích 3.000 m2. Thư viện chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2018, trở thành trung tâm văn hóa đọc cho mọi người dân đam mê sách trên địa bàn Kiên Giang. Tọa lạc trong một không gian biển thoáng mát, ngay trung tâm thành phố, các phòng phục vụ chính của thư viện đều được trang trí đẹp mắt, có thiết kế mở gần gũi với thiên nhiên, rộng rãi, tràn ngập ánh sáng, thuận lợi cho việc đọc sách và học tập. Thư viện tỉnh bao gồm các phòng phục vụ: Làm thẻ và báo tạp chí, thiếu nhi, đa phương tiện, phòng mượn và phòng đọc tổng hợp; trong đó, phòng đọc tổng hợp là phòng phục vụ thu hút nhiều bạn đọc đến học tập, làm việc và đọc sách nhiều nhất (trước dịch COVID-19 bùng phát, thu hút hơn 500 lượt bạn đọc/tuần).
Bạn đọc Châu Trúc Thi, lớp 10A1, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trung Trực, thành phố Rạch Giá chia sẻ: Em coi sách như một người bạn thân thiết nên trong thời gian giãn cách xã hội, em vẫn không ngừng đọc sách. Dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng Thư viện tạo cho em cùng các bạn đọc cảm giác an toàn khi đến đây mượn sách, các anh chị nhân viên luôn đảm bảo thông điệp 5K, hướng dẫn bạn đọc tận tình, chu đáo. Thư viện tỉnh thực sự là một nơi “nuôi dưỡng” niềm đam mê đọc sách, đam mê khám phá tri thức của em.
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Kiên Giang Lê Thị Thanh Thủy, từ khi có trụ sở mới, Thư viện tỉnh tiếp tục được bổ sung thêm nguồn lực từ nguồn ngân sách nhà nước để phát triển văn hóa đọc (gồm cả nhân lực thư viện, trang thiết bị, vốn tài liệu). Thư viện cũng đã nhận được tài trợ của các nhà xuất bản, nhà sách, các tác giả, bạn đọc, đặc biệt nhận được nhiều sách quý và hay từ nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái tặng, Quỹ Châu Á, Tập đoàn Vingroup, Quỹ Nhân Ái, Quỹ Thiện Tâm phối hợp tài trợ… nâng tổng số sách lên hơn 140.000 bản sách.
Thư viện tỉnh cũng là 1 trong 31 thư viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tiếp nhận xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện mang tên “Ánh sáng tri thức”. Xe đã giúp cho các hoạt động phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh ngày càng được phát huy hiệu quả hơn, hỗ trợ thư viện trong việc đem sách cũng như thông tin và tri thức đến với người dân, nhất là giới trẻ vùng đặc biệt khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Tại Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, hưởng ứng các hoạt động phát triển văn hóa đọc của Thư viện tỉnh, nhà trường khuyến khích học sinh tự tìm đọc sách, báo, tạp chí qua mạng Internet trong khi chưa đến trường học trực tiếp do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng Đàm Thanh Lạc cho biết, nhà trường phân công cán bộ thư viện trực hàng tuần và thực hiện cho học sinh mượn sách tham khảo nhưng phải đảm bảo Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi do thư viện tỉnh tổ chức như cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, từ đó lan tỏa những thông điệp của văn hóa đọc đến các em, góp phần hình thành thói quen đọc sách, vừa giải trí lành mạnh trong mùa dịch, vừa để nâng cao tri thức và rèn luyện nhân cách.
Bà Lê Thị Thanh Thủy cho biết, thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ triển khai chương trình chuyển đổi số ngành thư viện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn tài liệu cần số hóa, trang thiết bị, nhân lực cho việc thực hiện chuyển đổi số; nâng cấp hệ thống phần mềm thư viện điện tử Ilib, thư viện số và trang thông tin điện tử Thư viện tỉnh Kiên Giang; đầu tư trang thiết bị phục vụ việc số hóa tài liệu; số hóa tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, tài liệu có giá trị lịch sử, văn hóa. Đồng thời, Thư viện tỉnh thực hiện đào tạo, nâng cao trình độ nguồn lực thư viện, quản lý thư viện hiện đại, trình độ chuyển đổi số trong thư viện: Tham dự, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ người làm công tác thư viện phục vụ chuyển đổi số, liên thông thư viện.