Khúc quân hành vang mãi ngàn năm

“Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước…”. Đã bao năm rồi, khúc tráng ca của cố nhạc sĩ, liệt sĩ Đinh Nhu vẫn rền vang âm hưởng hào hùng của một thời đấu tranh cách mạng, như ngọn lửa không bao giờ tắt trong trái tim những người con đất Việt.


Cố nhạc sĩ, liệt sĩ Đinh Nhu sinh năm 1910 trong một gia đình nghèo ở Hải Phòng. Từ khi còn là học sinh tiểu học, Đinh Nhu đã tỏ ra có năng khiếu và say mê sân khấu, âm nhạc. Năm 1927, Đinh Nhu tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Cuối 1929, ông bị Pháp bắt và giam tại Hỏa Lò-Hà Nội, sau đó bị kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Trong xà lim Côn Đảo ông dạy hát cho các tù nhân khác và bài Cùng nhau đi Hồng binh ra đời thời kỳ đó.


Đây là thời kỳ chính quyền Xô Viết được thành lập ở Nghệ Tĩnh (1930-1931), công nhân, nông dân nghèo xuống đường biểu tình, tuần hành chống chính sách sưu thuế hà khắc thực dân, phong kiến, mà nòng cốt là các đội xích vệ. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc, không khí hào hùng của Xô Viết Nghệ Tĩnh chính là nội dung tư tưởng, cơ sở hiện thực của bài hát Cùng nhau đi Hồng binh. Bài hát được thể hiện với âm hưởng mạnh mẽ của thể loại hành khúc với những giai điệu, tiết tấu như tiếng kèn xung trận, rất hiện đại nhưng cũng rất gần gũi với âm nhạc dân gian. Cùng nhau đi Hồng binh được coi là bài hát tân nhạc đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.


Tượng đài Chiến thắng Nghĩa Lộ - (Yên Bái).


Năm 1936, Đinh Nhu được trở về Hải Phòng và tiếp tục hoạt động cách mạng. Chỉ một thời gian, ông cùng em trai là Đinh Hoạt lại bị bắt và đưa về giam ở căng Bắc Mê, rồi chuyển đến căng Nghĩa Lộ ở Yên Bái. Lúc này các sự kiện cách mạng nổ ra dồn dập. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, quân Pháp hoang mang lo sợ. Chi bộ nhà tù họp và nhất trí khởi nghĩa chiếm căng vào đêm 15/3/1945. Do nhân mối cài trong hàng ngũ địch bất ngờ bị điều đi nơi khác, nên chi bộ quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa đến đêm 18/3. Không khí trong nhà tù lúc này như quả bóng bị bơm căng, bất kỳ lúc nào cũng có thể nổ tung.


Chiều 17/3/1945 tên phó sứ Yên Bái vào căng, khi hắn đến giữa nhà anh em ngồi gần vùng dậy quật ngã và khống chế hắn. Quân giặc nổ súng thẳng vào anh em tù chính trị, nhiều anh em hi sinh, một số chạy thoát và tìm được về khu căn cứ. Trong chín liệt sĩ ấy có Đinh Nhu. Tuy cuộc nổi dậy của các chiến sĩ không thành nhưng cũng làm cho quân giặc thêm hoang mang, lo sợ, đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng…


Ngày nay, khu tưởng niệm chín liệt sĩ tại thị xã Nghĩa Lộ được xây dựng trong quần thể khu di tích lịch sử cách mạng ở căng đồn Nghĩa Lộ, một công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Bà con các dân tộc Nghĩa Lộ và du khách thường xuyên đến thăm viếng khu di tích, ôn lại một thời cách mạng oanh liệt của cha ông. Nhiều trường học trong khu vực thường tổ chức lễ kết nạp Đội, Đoàn cho các em học sinh tại nơi đây và khúc tráng ca bất hủ được các em hát lên bằng tất cả lòng nhiệt tình cách mạng của thế hệ trẻ và lòng biết ơn với các liệt sĩ đã ngã xuống cho quê hương đất nước: “Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước…”



Bài và ảnh:Trần Vân Hạc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN