Để thay đổi suy nghĩ của công chúng về nghệ thuật xiếc, đồng thời để khán giả không nhàm chán vì xem mãi những tiết mục xiếc đơn thuần, những nghệ sỹ xiếc đã xây dựng những vở kịch xiếc có nội dung hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khán giả đến xem.
Kịch xiếc “À ố show” chuẩn bị lưu diễn 3 năm tại Pháp. |
Trong rừng xanh đại ngàn, có một cậu bé sống hoang dã trong rừng và là người bạn thân thiết của muôn loài thú trong rừng, được các loài thú yêu quý. Cứ mỗi mùa hè tới, các muông thú lại mở vũ hội. Năm nay, muôn loài chim, thú vui vẻ tham dự vũ hội với những bộ trang phục sắc màu sặc sỡ... Giữa lúc vũ hội đang vui nhất, bỗng tiếng súng nổ vang trời, tiếng cưa, búa, đập, phá, chặt, khiến mặt trời như rơi xuống đất. Trên đỉnh ngọn núi xuất hiện những thợ săn độc ác, rượt đuổi và giăng lưới bắt những chú gấu mang về nhốt trong cũi để làm trò vui tiêu khiển... Cậu bé rừng xanh với sự trợ giúp của đàn khỉ thông minh đã giăng bẫy bắt thợ săn, giải cứu và thả muông thú về nơi hoang dã. Muôn loài muông thú reo hò, tôn vinh cậu bé rừng xanh là thủ lĩnh của mình và mong chờ một ngày mới đến... Đó là câu chuyện ly kỳ trong vở kịch xiếc “Rừng xanh và muông thú” mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt khán giả nhí đợt 1/6 tới đây. Xen giữa câu chuyện ly kỳ đó, là những màn biểu diễn xiếc với những kỹ thuật hấp dẫn người xem như đu dây, xiếc thú, nhào lộn, tung hứng, ảo thuật...
Đây không phải là vở kịch xiếc đầu tiên được ra mắt khán giả nhí, mà trên thực tế, trong khoảng vài năm trở lại đây, thể loại kịch xiếc, còn gọi là xiếc mới, xiếc có nội dung đã ra mắt khán giả Việt Nam khá nhiều. Ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, trong 5 năm gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có rất nhiều vở diễn, nhất là vào những ngày lễ lớn như mừng năm mới, ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, dịp Trung thu hay những ngày lễ lớn trong năm... Liên đoàn Xiếc đã mùa nào thức đấy, kêu gọi những đạo diễn, biên kịch xây dựng những vở diễn theo đúng từng đối tượng như “Thạch Sanh”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Alibaba và 40 tên cướp”, “Đám cưới chuột”, “Xứ sở phù thủy và chàng trai dũng cảm”, “Huyền thoại xứ Ai Cập"...
Sân khấu xiếc TP Hồ Chí Minh cũng xuất hiện những vở kịch xiếc thu hút đông đảo khán giả như kịch xiếc “Thạch Sanh chém chằn” của nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, vở “Tarzan cùng những người bạn” do Đoàn xiếc TP Hồ Chí Minh và Đoàn xiếc thú Hà Nội thực hiện...
Theo ông Tạ Duy Ánh, ở Việt Nam, kịch xiếc chưa xuất hiện nhiều. Nhưng trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển như Mỹ, Canada, Pháp, Italy... loại hình kịch xiếc đã xuất hiện từ lâu. Ông Ánh đưa ví dụ, ở Nga, cách đây 40 năm đã có những vở diễn dài được dàn dựng thành kịch xiếc. 20 năm trở lại đây, đoàn xiếc Duslay (đoàn xiếc Mặt trời) của Canada cũng đã đi theo hướng này và rất thành công. Các nghệ sỹ đã đưa câu chuyện, cốt truyện vào dàn dựng theo hướng mới, bên cạnh việc dùng kỹ thuật xiếc là chính, các nghệ sỹ sử dụng thêm loại hình nghệ thuật khác như kịch hình thể, nghệ thuật sắp đặt, múa, ca nhạc... đều được đưa vào biểu diễn, gây sự hứng thú cho khán giả. Đoàn xiếc này đã rất thành công, đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt, khi đến Mỹ, vé của chương trình luôn được bán trước cả tháng.
Việt Nam cũng đã từng có những vở xiếc mới được dàn dựng rất thành công. Đó là vở diễn “Làng tôi” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng. Vở diễn đã được công diễn ở nhiều nơi trên thế giới trong suốt 3 năm, với gần 300 xuất diễn, đã thu hút được đông đảo khán giả, tạo tiếng vang trên trường quốc tế. Từ tháng 6/2015 này, vở kịch xiếc “À ố show” sẽ bắt đầu chuyến lưu diễn tại hệ thống nhà hát quốc gia trên khắp nước Pháp với khoảng 90 suất diễn... Điều này chứng tỏ, bên cạnh những tiết mục xiếc truyền thống, kịch xiếc hay xiếc mới với nội dung hấp dẫn sẽ là cơ hội để cho nghệ thuật xiếc của Việt Nam vươn ra thế giới.
Cũng theo ông Tạ Duy Ánh, với khán giả Việt, kịch xiếc vẫn là một khái niệm mới mẻ trên bản đồ văn hóa nghệ thuật, so với những loại hình nghệ thuật khác. Thêm vào đó, nhiều người vẫn có thói quen quan niệm xiếc là những tiết mục biểu diễn kỹ thuật riêng lẻ, và lầm tưởng đó là nghệ thuật chỉ dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, nhưng với việc tạo ra những vở kịch có nội dung, có cốt truyện, nghệ thuật xiếc chắc chắn sẽ phát triển ngày càng mạnh, phục vụ được ngày càng nhiều nhóm đối tượng, kể cả thanh niên và những người lớn tuổi. Trong tương lai gần, kịch xiếc sẽ lan tỏa mạnh mẽ và trở thành một trong những món ăn tinh thần đặc sắc của khán giả Việt. Và “đó cũng là hướng đi mới mà Liên đoàn Xiếc Việt Nam xác định trong thời kỳ hội nhập và phát triển”, ông Tạ Duy Ánh nói.
Phương Hà