Kịch rối “Vịt trời trúng độc” cháy vé ở Tokyo

Thông tin từ ông Trương Nhuận, giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, 6 buổi diễn vở lịch rối “Vịt trời trúng độc” (từ ngày16 - 21/3) tại Nhà hát Metropolitan - Tokyo (Nhật Bản) đã thành công hơn cả mong đợi. Vé bán sạch trước các buổi diễn dù giá vé lên tới 5.500 Yên/ vé, khán phòng chật cứng khán giả tới giây phút cuối cùng, trong đó rất đông là những nhà hoạt động sân khấu, lý luận phê bình, đạo diễn và nghệ sĩ Nhật Bản đến thưởng thức. Vở diễn sẽ tiếp tục được công diễn tại Việt Nam vào ngày 13-15/5 (tại Nhà hát Tuổi trẻ) và ngày 17/5 tại Nhà hát Lớn thành phố Hải Phòng.

Các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản tham gia chương trình.

Đưa yếu tố kịch Noh vào kịch Bắc Âu


Là dự án hợp tác giữa Nhà hát rối dây Edo - Yukiza (Di sản văn hoá dân gian phi vật thể quốc gia của Nhật Bản và của Thủ đô Tokyo) và Nhà hát Tuổi trẻ; với sự tài trợ của Trung tâm Châu Á thuộc Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Quỹ Văn hóa Lịch sử thủ đô Tokyo; vở diễn “Vịt trời trúng độc”, chuyển thể từ kịch bản “Con vịt trời” của Henrick Ibsen- kịch tác gia tiêu biểu của Nauy, do Nhà biên kịch, đạo diễn, Giám đốc đoàn kịch "Đom đóm", ông Sakate Yoji, viết kịch bản và đạo diễn. Vở diễn có sự góp mặt của đông đảo các nghệ sĩ, kỹ thuật viên của Việt Nam và Nhật Bản. Về phía nghệ sĩ, đó là sự góp mặt của Nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ XII, Yuki Chie, Yuki Ikuko, Yuki Kazuma (Nhật Bản), NSND Lê Khanh, Nguyễn Thanh Bình (Việt Nam), cùng các diễn viên của nhà hát Yukiza. Về phía các kỹ thuật viên, đó là Terakado Takayuki (mỹ thuật con rối), Ota Keisuke (âm nhạc diễn sống), Shima Jiro và Đặng Minh Tuấn (mỹ thuật sân khấu), Shima Takeshi và Nguyễn Anh Tuấn (âm thanh), Saito Shigeo và Phạm Thanh Bình (ánh sáng). Có nghĩa là, trong mỗi khâu của vở diễn đều có sự góp mặt của nghệ sĩ, kỹ thuật viên hai nước. Đây chính là cơ hội cho các nghệ sĩ, kỹ thuật viên có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau; cũng là cách để Nhà hát rối dây Edo - Yukiza “truyền nghề” thêm cho các nghệ sĩ, kỹ thuật viên của Nhà hát Tuổi trẻ.

Dự kiến "Vịt trời trúng độc" sẽ được biểu diễn theo lời mời của Liên hoan Sân khấu Quốc tế BITEI tại Moldova tháng 6 năm 2016 và Liên hoan Sân khấu Quốc tế Sibiu tại Romania.


“Trong nguyên tác "Con vịt trời" của Henrick Ibsen, tác giả đã sử dụng hình thức của kịch hiện đại, mà trong đó, những mối quan hệ ẩn chứa giữa người giàu và người nghèo, giữa cha mẹ và con cái của mô hình gia đình ba thế hệ trong hai hoàn cảnh gia đình đối nghịch nhau; đã bị phanh phui bởi một kẻ đề cao “chính nghĩa”. Tuy nhiên, khi chuyển thể thành “Vịt trời trúng độc”, các nghệ sĩ đã quyết định sử dụng hình thức mộng huyền phức hợp của kịch Noh, một loại hình sân khấu truyền thống của Nhật Bản vào vở diễn, mang tới một sắc thái mới cho vở diễn. Đặc biệt, tính bình luận được thể hiện qua sự phân ly giữa con rối và người điều khiển rối trong sân khấu kịch rối truyền thống, giúp chiếu rọi một cách sâu sắc và sắc bén đời sống nhân vật được khắc họa trong kịch của Ibsen”, giám đốc Trương Nhuận cho biết.


Cũng theo ông Trương Nhuận, đây là một cấu trúc mà trong đó nhân vật chính (shite) là một hồn ma đang ám giữ một không gian địa điểm, nhân vật phụ (waki) là một người hành hương tìm đến hỏi chuyện, từ đó tái hiện lại câu chuyện quá khứ. Trong cốt truyện “Vịt trời trúng độc”, đoàn đưa tang đi loanh quanh trong rừng để tìm kiếm nghĩa địa chôn cất quan tài cô bé gái Hedvig đã tự sát, từ đó lần tìm lại câu chuyện và dần dần sáng tỏ những "tình tiết" được xây dựng trong nguyên tác. Hơn nữa, trong vở kịch lần này còn xuất hiện nhân vật con vịt trời vay mượn hình dáng, điều đã không được kể đến trong nguyên tác. "Vai trò liên kết nhân vật thể hiện sự nhất quán của khu rừng với con vịt trời và tự nhiên được đảm nhiệm bởi Lê Khanh và nghệ sĩ đến từ Việt Nam, được sắp đặt đối diện với những vai diễn con người do con rối đảm nhiệm", giám đốc Trương Nhuận cho biết thêm.


Ươm mầm hợp tác


Vai trò liên kết nhân vật thể hiện sự nhất quán của khu rừng với con vịt trời và tự nhiên được đảm nhiệm bởi Lê Khanh và nghệ sĩ đến từ Việt Nam

Trong chuyến công tác, học tập 4 tháng tại Nhật Bản (bắt đầu từ ngày 23/3/2014), trong khuôn khổ chương trình hợp tác giao lưu văn hoá với các nước Châu Á được tài trợ bởi Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản; vào tháng 6/2014, đoàn nghệ thuật Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam (gồm 15 thành viên) đã có dịp tham gia các buổi diễn và buổi tập của Nhà hát rối dây Edo – Yukiza và đã rất say mê tìm hiểu về nghệ thuật độc đáo này.


Trong một buổi trao đổi với các nghệ sĩ của Nhà hát, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSND - đạo diễn Lê Khanh, đã thể hiện mong muốn về dự án hợp tác sản xuất quốc tế Nhật Bản - Việt Nam. Tiếp nhận ý tưởng này, nghệ nhân Yuki Magosaburo đời thứ XII đã triển khai dự án biểu diễn (2 buổi) và workshop của Nhà hát Yukiza tại Việt Nam từ ngày 19 – 26/3/ 2015, bằng kinh phí tài trợ từ Quỹ giao lưu quốc tế và thành phố Tokyo. Hơn cả mong đợi, chương trình đã được sự đón nhận nồng nhiệt của các khán giả Thủ đô với con số lên tới gần 500 khán giả/ buổi diễn.


Kịch gia đình của Bắc Âu được trình diễn cách đây hơn 130 năm, đã được tái hiện trong cuộc sống Nhật Bản hiện đại, bằng ma lực diễn của những nghệ sĩ Việt Nam, cùng với con rối Nhật Bản.


Xuất phát từ thành công đó, năm 2016 này, Nhà hát rối dây Edo – Yukiza đã quyết định hợp tác với Nhà hát Tuổi trẻ để dàn dựng vở diễn “Vịt trời trúng độc”. “Chúng tôi chọn Nhà hát Tuổi trẻ bởi đây là đoàn nghệ thuật quốc lập của Việt Nam, đã tiếp nhận viện trợ kỹ thuật sân khấu hiện đại từ chính phủ Nhật Bản; nhưng một thực tế là, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn chưa có một đội ngũ kỹ thuật viên sử dụng thành thạo các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng đã được tài trợ này. Bên cạnh đó, Việt Nam có một lịch sử chiến tranh lâu dài và tàn khốc với nhiều giặc ngoại xâm. Không quá lời khi nói rằng văn hoá nghệ thuật độc đáo Việt Nam còn chưa trưởng thành. Chính vì vậy, là một nhà hát mang văn hoá độc đáo Nhật Bản, Yukiza chia sẻ sự đồng cảm lớn trước hiện trạng và thách thức của sân khấu Việt Nam trong việc xây dựng những tác phẩm mang hơi thở hiện đại”, đại diện Nhà hát rối dây Edo – Yukiza chia sẻ.


Một cảnh trong vở diễn.

Chính vì mục tiêu này, nên ngoài việc phối hợp xây dựng vở diễn, các nghệ sĩ Việt Nam còn tham gia một chương trình học tập thực tế tại Nhà hát rối dây Edo – Yukiza kéo dài 1 tháng trước khi công diễn chính thức. Các kỹ thuật viên Việt Nam cũng cùng tham gia cùng xây dựng sân khấu với kỹ thuật viên Nhật Bản, để học hỏi kinh nghiệm. Và đến tháng 5 này, các nghệ sĩ Nhật Bản cũng sẽ sang Việt Nam, để lại cùng đồng hành với những người bạn Việt Nam trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN