Tin vui với thể thao Việt Nam (TTVN): Năm 2011, ngành thể thao chắc chắn sẽ được duyệt kinh phí cho kế hoạch tập huấn nước ngoài cao hơn năm 2010. Đây là điều kiện cần để các gương mặt ưu tú, các đội tuyển xuất sắc có cơ hội nâng cao trình độ. Song, trước thực trạng xuất ngoại tràn lan như hiện nay, rất cần một sự tính toán hợp lý để sự đầu tư trở nên hiệu quả.
Nô nức xuất ngoại
ASIAD 16 không phải là một giải đấu thành công với TTVN, nhưng chúng ta cũng có những điểm sáng đáng ghi nhận. Đặc biệt ở những môn thể thao cơ bản thuộc hệ thống thi đấu Olympic, có tới 5 môn có huy chương là: Vật, bắn súng, taekwondo, rowing và điền kinh. Ngay lập tức, ngành thể thao đã có những động thái rất cụ thể trong việc đầu tư đặc biệt cho những môn này trong năm nay, khi mà hầu như đội tuyển nào cũng phải tập trung cho 2 mục tiêu lớn là SEA Games 26 và vòng loại Olympic.
ĐT điền kinh với những gương mặt quen thuộc như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện đã được tập trung ngay từ ngày 1/1/2011. Thậm chí, thầy trò HLV Hồ Thị Từ Tâm (tổ cự ly trung bình) đã có chuyến xuất ngoại đầu tiên tại địa điểm quen thuộc Côn Minh (Trung Quốc) đến sát Tết Nguyên đán mới về nước. Trong khi đó các gương mặt trụ cột còn lại, đặc biệt là Vũ Thị Hương cũng được lên kế hoạch chi tiết đi tập huấn nước ngoài, dự kiến sẽ là tại Đức trong thời gian kéo dài tới 6 tháng.
Cầu lông với 2 gương mặt Tiến Minh và Vũ Thị Trang cũng được tạo điều kiện tối đa tham dự các giải đấu quốc tế trong năm nay. Đặc biệt tay vợt trẻ Vũ Thị Trang có khả năng lần đầu tiên được thuê HLV ngoại kèm cặp.
Các môn khác, vốn luôn coi tập huấn nước ngoài là môi trường tập luyện lý tưởng để nâng cao thành tích như: Karate (kata), taekwondo, rowing, cử tạ, bơi, bắn súng..., năm nay đều lên kế hoạch tập huấn khá rầm rộ. Thậm chí ngay cả môn vật rất ít khi được tập huấn nước ngoài, năm nay gần như chắc chắn cũng được duyệt kinh phí “xuất ngoại”.
Chất lượng sẽ tăng?
Sau khi các bộ môn lên kế hoạch tập huấn chi tiết, Tổng cục TDTT sẽ duyệt trong thời gian sớm nhất, bởi đã có nhiều môn chuẩn bị bước vào vòng loại Olympic trong 2-3 tháng tới. Theo tính toán của ngành thể thao, kinh phí tập huấn năm nay sẽ vượt qua con số 1,8 triệu USD của năm 2010 khoảng 400.000 USD. Đây là một số tiền không nhỏ và nếu sử dụng hiệu quả thì sẽ trở nên rất hữu ích. Vấn đề được nhiều người quan tâm (hay lo ngại) cũng xuất phát từ việc có sử dụng hiệu quả hay không khoản kinh phí này.
Chắc chắn, những môn thể thao mũi nhọn, đặc biệt là những môn nằm trong hệ thống Olympic sẽ được ưu tiên hàng đầu. Thực tế thì rất nhiều môn đã có kế hoạch thuê chuyên gia nước ngoài, cũng như các kế hoạch tập huấn, thi đấu khác. Từ năm 2011, TTVN đã có những thay đổi mang tính chiến lược để tập trung vào các môn trọng điểm với mục tiêu chinh phục đấu trường Olympic. Olympic London 2012 còn 2 năm nữa sẽ diễn ra, nhưng ngay từ bây giờ, sẽ là quá muộn nếu như không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Một thực tế được giới chuyên môn cảnh báo là việc rất có thể ngành thể thao lại đi theo nếp cũ khi “đầu tư” dàn trải. Thực trạng này xuất phát từ tâm lý chạy theo số lượng huy chương để có chút thành tích tại SEA Games vào cuối năm. Những thành công của TTVN tại các kỳ SEA Games gần đây vô hình chung đã tạo ra một áp lực không nhỏ.
Và, chắc chắn tham dự SEA Games 26 tại Inđônêxia lần này, TTVN vẫn phải đặt mục tiêu lọt vào tốp 3 toàn đoàn. Để đạt mục tiêu này, rất nhiều môn có khả năng tranh chấp huy chương sẽ được đầu tư và nó kéo tụt kinh phí với những môn đáng lẽ phải được nhận kinh phí tối đa nhất. Mục tiêu tổng số lượng huy chương đạt kế hoạch, nhưng một số môn mũi nhọn trong nội dung Olympic cần được đầu tư nhiều hơn như: Điền kinh, taekwondo, cử tạ... lại thiếu kinh phí.
Những người làm quản lý thể thao đều hiểu thực trạng này nhưng khi vào thực tế lại tỏ ra lúng túng trong xử lý những tình huống cụ thể.
Nếu đúng như vậy, thì dẫu có tăng kinh phí tới đâu, cũng chỉ như “đem muối bỏ bể” mà thôi.
Anh Chi