Ngôi chùa cổ kính hiện trên mặt nước, bên ánh sáng tỏa ra từng những bông sen trong vở diễn Tinh hoa Bắc bộ. Ảnh: THBB |
”Bao giờ trở lại đồng Bương CấnVề núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Ðáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”…
Giữa mặt nước rộng trên 3.500m2, có nền là núi Sài Sơn tím thẫm, giọng ngâm trầm ấm bốn câu nổi tiếng trong Đôi mắt người Sơn Tây (Quang Dũng) cất lên, cùng những hình ảnh quen thuộc mà như tiên cảnh dần dần xuất hiện, dẫn người xem lạc về một miền quê bình yên. Vầng trăng như chiếc mâm vàng nhô dần sau lũy tre xanh màu ngọc, bóng người dân quăng chài, chèo thuyền cất vó, những nam thanh, nữ tú váy thắm yếm đào giao duyên, lũ trẻ dung dăng những bài đồng dao, thong dong trên lưng trâu, thổi sáo thả diều giữa cánh đồng bát ngát…. Những sinh hoạt quen thuộc của đời sống cư dân đồng bằng Bắc Bộ hiện lên vừa chân thực vừa kỳ ảo, bởi được diễn ra trên nền nước lung linh của sân khấu thực cảnh vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ.
Nhiều hình ảnh sinh hoạt dân dã được tái hiện trên sân khấu thực cảnh. Ảnh: THBB |
Xuyên suốt 60 phút, vở diễn chia làm các chương: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc hoa, An vui và Ngày hội…, với sự xuất hiện của nhiều loai hình nghệ thuật dân gian Bắc bộ như: rối nước, hát văn, hát quan họ, … Chương trình tái hiện và tôn vinh truyền thống hiếu học, trọng nhân tài, các giá trị văn hóa lâu đời của những làng nghề dân gian, tinh thần nhân văn của người Việt đồng bằng Bắc Bộ. Trong nhiều trường đoạn, khán giả thực sự choáng ngợp không chỉ bởi sự hoành tráng, mà còn bởi ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Một lối đi huyền bí mở ra sâu thẳm, vị thiền sư, những bông sen tỏa sáng, mái đình rêu phong mọc lên từ mặt nước … Hiệu ứng âm thanh của các nhạc cụ truyền thống, kết hợp cùng dàn ánh sáng la – ze công nghệ hiện đại hàng chục tấn, diễn ra giữa non nước thực, tạo nên những ấn tượng đặc biệt trong khán giả. Đôi lúc, diễn viên xuất hiện ngay bên những hàng ghế khán giả, mời khán giả miếng trầu giao duyên hay tấm bánh chợ quê, khiến không khí thực càng trở nên đậm nét.
Một giá đồng được tái hiện trong Tinh hoa Bắc bộ. Ảnh: THBB |
Cách Hà Nội 25km, chừng 30 phút chạy xe,sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ nằm trong Baara Land, tổ hợp vui chơi và văn hóa nằm ngay dưới chân núi Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) – một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam và là một trong những điểm du lịch tâm linh khu vực Hà Nội. Đây cũng chính là ý tưởng tạo nguồn cảm hứng của vở diễn, với cốt truyện tập trung vào ông tổ nghề múa rối nước Việt Nam, thiền sư Từ Đạo Hạnh, và đời sống tinh thần phong phú của vùng đồng bằng Bắc bộ.
Các diễn viên là sinh viên trường CĐ Múa Hà Nội cùng người dân địa phương. Ảnh: THBB |
Vở diễn được thực hiện bởi Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam, với sự quy tụ hàng trăm diễn viên là sinh viên trường CĐ Múa Hà Nội và những bà con nông dân của chính vùng đất Sài Sơn, Quốc Oai. Những nông dân áo nâu trong những gian hàng bán sản vật địa phương ở khu chợ quê, chỉ trong thoáng chốc, đã xuất hiện trên sân khấu, trong những vai diễn tái hiện chính các sinh hoạt quen thuộc của họ trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh khoản thu nhập từ biểu diễn, họ đã và đang làm quen với việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, vừa góp phần cải thiện đời sống kinh tế của gia đình, vừa góp phần làm phong phú hơn cho sản phẩm du lịch của Hà Nội nói chung và huyện Quốc Oai nói riêng.
Tại chợ quê bên ngoài sân khấu thực cảnh, người bán hàng là dân địa phương, sau thời gian bán hàng lại lên sân khấu biểu diễn. Ảnh: Nguyễn Nguyên. |