Theo bước đường hành quân, Đại tá Nguyễn Xuân Mai từ một chiến sĩ liên lạc đã làm thêm rất nhiều nhiệm vụ như báo liếp, báo hầm, tập san, phụ trách văn nghệ, đọc báo cho bộ đội nghe đến làm kế toán. Ông làm bất cứ công việc nào chiến trường cần cho đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Nguyễn Xuân Mai mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới 10 tuổi. Năm 1947, cậu bé rời Hà Nội, tản cư ở Khoái Châu (Hưng Yên), rồi đến năm 1951, xung phong vào bộ đội. Vốn gầy yếu, lại chưa đủ tuổi nên không thể đăng ký, cậu bé nghĩ ra cách: khai tăng tuổi (SN 1936 khai thành 1935). Để đủ cân nặng, cậu mượn bác lò rèn gần nhà cục sắt khoảng hai, ba cân. Nhờ giấu kỹ cục sắt vào người, Mai đủ trọng lượng, đã trúng tuyển.
Cựu chiến binh Điện Biên Phủ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không – Không quân, nguyên Tổng biên tập báo Cựu chiến binh Việt Nam. |
Ngày 1/3/1952 Nguyễn Xuân Mai hành quân từ Khoái Châu lên Hữu Lũng (Bắc Giang), thuộc quân số Tiểu đoàn phòng không trợ chiến 536, Đại đoàn 316, làm chiến sĩ liên lạc. Khi hành quân, Mai luôn đi cùng ban chỉ huy đại đội, cậu như “chiếc điện thoại di động” bấy giờ.
Những ngày đầu làm báo
Anh liên lạc trẻ tuổi sớm được các thủ trưởng yêu mến bởi cậu được học hành, biết chút ít tiếng Pháp, lại có thể hát hò, biết cả thổi sáo, thổi kèn Ácmônica, đánh đàn Măngđôlin. Khi đơn vị tập trung ở chân dãy núi đá Phỏng ở Hữu Lũng để chuẩn bị bước vào “chỉnh huấn”, ở đơn vị khi ấy phần lớn anh em từ vùng địch tạm chiếm ra, không phải ai cũng hiểu nghĩa của từ này, trong khi nó lại được dùng thường xuyên. Vậy là trong khi những người khác viết văn vè vần điệu thì ông Mai viết “Tôi đã biết thế nào là “chỉnh huấn”, đại loại nói về bản chất quân đội nhân dân Việt Nam khác đế quốc thế nào,… Bài viết được hoan nghênh, nhiều người khen là có sáng kiến đã khích lệ tinh thần Mai rất nhiều. Đây được coi là bài báo đầu tiên của ông.
“Nơi đây tất cả đều tan hoang, chỗ nào cũng bị cày xới, đất vụn ra như cám. Bốc một nắm đất có hàng chục mảnh đạn. Bước trên đồi A1, đất thụt xuống dưới chân, xác lính Pháp la liệt, mùi xú uế bốc lên, mìn ở đây còn rất nhiều. Lúc ấy, tôi còn nhặt một cái ca inox của Pháp ngay chân đồi, đến bây giờ vẫn còn”, ông Mai kể. |
Một lần, anh em đơn vị lên rừng khai thác nứa về làm lán, khi vận chuyển phải kết bè thả dọc suối. Núi đá Phỏng cách nơi khai thác khoảng 10 cây số, đưa được bè nứa về không đơn giản. Những đoạn suối gập ghềnh, có lúc phải đổ thác, có lúc đứng trên bè chống sào bị cành cây gạt ngã xuống suối, thế rồi lóp ngóp bò lên, chống sào đi tiếp. Vậy là Xuân Mai có bài “Xuôi dòng Tân Long” từ thực tế chuyến đi đó. Bài viết được khen hay.
Khi đơn vị phát động phong trào sáng tác bài hát để cổ vũ khí thế thi đua, Mai không biết nhạc lý, nhưng cũng mạnh dạn viết bài “Bài ca của người chiến sĩ phòng không”, được biểu dương và phổ biến cho toàn đại đội học bài hát đó.
Cũng nhờ có bài hát và hai bài báo ấy mà Mai được chính trị viên đại đội giao trách nhiệm làm “báo liếp”- một hình thức thông tin tuyên truyền để động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu cho chiến sĩ. Tấm liếp đơn sơ như cái bảng tin, ai có bài báo nào viết thì dán vào đó. Về sau, ông Mai được giao nhiệm vụ chủ biên tập san của đại đội. Tập san chỉ như tập giấy học sinh, không dòng kẻ, kén “anh” nào viết đẹp, vẽ hay thì cho viết, kẻ tít, vẽ minh họa. Thôi thì đủ thứ chuyện với đủ thể loại viết trong đó, từ các bài có hơi hướng chính trị đến các câu chuyện vui, kể chuyện chiến đấu, nêu gương điển hình, những bài viết ca ngợi tình quân dân,…
Cứ thế, bất cứ chiến dịch nào, từ giải phóng Tây Bắc năm 1952 ở Nghĩa Lộ, đánh một số đồn địch ở Cửa Nhì, Ba Khe; vượt đèo Lũng Lô sang Sơn La đánh đồn Mộc Châu và bao vây Nà Sản; lên Thượng Lào giải phóng Sầm Nưa; về Thanh Hóa chỉnh huấn để chuẩn bị cho chiến dịch sau này, chàng trai liên lạc nhanh nhẹn, sốc vác ấy cũng là “chủ biên” của một tờ nội san ở đó. Cậu cũng là cây bút viết nhiều nhất cho tờ báo của những người lính này.
Tết bánh chưng chay…
Cuối tháng 1/1954, Nguyễn Xuân Mai được phiên chế ở đại đội 677 bảo vệ trung đoàn 174 đánh đồi A1, một trong những nơi ác liệt nhất của chiến dịch. Đại đội 677 đóng ở bản Tà Lèng phía trên đỉnh đồi, bảo vệ trận địa Đồi Xanh ở sau lưng bản. Nơi đây cách đồi A1, C1 khoảng một cây số. Đại đội nhận được lệnh, chỉ khi nào địch đánh vào đội hình thì mới phản công lại. Khi ấy đã cận kề Tết Giáp Ngọ. Do ở sát lòng địch, vận chuyển lương thực thực phẩm khó khăn, các chiến sĩ hầu như chỉ ăn gạo nếp, ai ốm mới được ưu tiên ăn gạo tẻ. Vậy là làm bánh chưng… không nhân.
Ngày 3/2/1954 tức mồng 1 Tết Giáp Ngọ, địch phát hiện ra trận địa Đồi Xanh, chúng quyết đánh và lấn thêm ra, ta thì quyết giữ. Ngày 6/2 (tức mồng 4 Tết), lần đầu tiên đại đội 677 bắn rơi tại chỗ một máy bay của Pháp ngay thung lũng Điện Biên Phủ. Chiến thắng ấy đã cổ vũ tinh thần của các chiến sĩ trong đơn vị. Số đầu tiên của “báo hầm” “Quyết thắng”, tên gọi của “báo hầm” được hình thành ở trận địa Tà Lèng, Nguyễn Xuân Mai viết bài “Tết bánh chưng chay, chiến công đậm”.
Những ngày tiếp theo, từ trận mở màn ngày 13/3 đến khi thắng trận 7/5 là những ngày ác liệt. Hàng ngày, từ khi còn mờ sương nơi núi rừng, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Xuân Mai đều đặn chạy bộ khoảng hai cây số từ đại đội báo cáo quân số, vũ khí cho ban chỉ huy tiểu đoàn. Một thời kỳ được cử học kế toán, ông phụ giúp cho kế toán đơn vị phát phụ cấp, phát tiền ăn còn thừa theo tiêu chuẩn cho anh em. Những buổi sinh hoạt chính trị, Mai còn phổ biến những bài báo hay đăng trên báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận đến từng khẩu đội. Trong những lúc căng thẳng, ác liệt nhất, gian khổ nhất, chàng trai Nguyễn Xuân Mai lại chơi đàn Măngđôlin, thổi kèn Ácmônica, cất tiếng hát cổ vũ, khích lệ các chiến sĩ.
Gần kết thúc chiến dịch, Mai còn tham gia vào đội Vinh Quang, nhận một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm, đó là tiến sát vào hàng rào dây thép gai của địch cùng đồng đội chuyển thương binh ra. Trước khi nhận nhiệm vụ, Mai được Chính trị viên đại đội Phạm Kỳ viết thư động viên, mong Mai trở thành “đồng chí của anh, là Đảng viên Đảng Lao động vinh quang”, khi ấy, Mai mới 19 tuổi. Lá thư viết trên mảnh giấy chỉ nhỏ bằng vài đầu ngón tay, đến bây giờ ông Mai vẫn giữ.
Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, ông Mai quay trở về đại đội 677, cùng đơn vị bảo vệ khu vực cầu Mường Thanh và thu dọn chiến trường. Cuối tháng 5 thì hành quân về xuôi. Rời chiến trường Điện Biên, cũng giống nhiều chiến sĩ khác, bên cạnh niềm vui chiến thắng lên đến tột cùng thì từ trong sâu thẳm trái tim Mai là cảm giác nghẹn ngào.
“Nhớ anh em, nhớ đồng đội, chiến đấu chung chiến hào, không biết hiện nay gia đình họ thế nào, có biết tin con cái mình còn hay mất? Chúng tôi còn nghĩ, cuộc kháng chiến vẫn còn tiếp tục, tháng 7/1954, hiệp định Giơnevơ mới được ký, vì vậy ngay cả trong lúc chiến thắng, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp tục lên đường, tiếp tục chiến đấu”, ông Mai hồi tưởng.
Bài và ảnh: Xuân Phong