Tiếp diễn xâm phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng
Năm 2017, một thanh niên 19 tuổi quay lén rồi phát trực tuyến phim “Cô Ba Sài Gòn” trên mạng xã hội. Khi đó, nhà sản xuất phim và đơn vị phát hành bộ phim đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý người phát tán phim này. Các nhà chuyên môn đều khẳng định đây là một sự việc nghiêm trọng và tác động tiêu cực trực tiếp đến những nhà làm phim Việt Nam trong bối cảnh thị trường điện ảnh nội đi xuống. Trong nhiều trường hợp khác cũng có hành vi tương tự, các nhà sản xuất đã bị tổn thất lớn, với số tiền nhiều tỷ đồng, nhưng khi bị phát giác, các đối tượng này đều không biết mình đã vi phạm pháp luật.
Hay trang phim lậu như phimmoi.net dù bị chặn nhiều lần, nhưng vẫn liên tục “mọc” ra vô số phiên bản khác mà không cần quảng cáo, vì người xem tự tìm đến, tự lan truyền.
Tương tự, trong lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư “tiếp tay” cho việc vi phạm bản quyền khi đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng. Thậm chí, có nhiều người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất những nội dung khác đưa lên mạng xã hội, mà không xin phép hay trả tác quyền…
Sự hỗn loạn và phức tạp của âm phạm bản quyền âm nhạc trên môi trường số còn thể hiện ở việc không ít tổ chức, cá nhân nhập nhèm về bản quyền, đánh tráo khái niệm bản quyền, quyền “bản ghi” đối với tác phẩm âm nhạc. Trường hợp điển hình là vụ việc nhạc sĩ Giáng Son bị “đánh bản quyền” với bản thu âm “Giấc mơ trưa” được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album “Giáng Son” sản xuất và phát hành lần đầu năm 2007 trên trang Youtube mang tên “Giáng Sol Official”. Bài hát do chính nhạc sĩ sáng tác và chưa sang nhượng bản quyền cho đối tác.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ trên không gian mạng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng cho biết: Dù Việt Nam đã và đang không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về Quyền Sở hữu trí tuệ; xét xử nhiều vụ án về về vấn đề này nhưng vấn nạn xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phức tạp. Các hành vi xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ ngày tinh vi. Nhiều đối tượng sử dụng các thiết bị công nghệ cao để làm giả, làm nhái sản phẩm hòng qua mắt lực lượng chức năng.
"Đặc biệt, với tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc truy tìm các đối tượng vi phạm Quyền Sở hữu trí tuệ gặp không ít khó khăn và tốn nhiều thời gian. Sau đó, khâu xử lý cũng gặp nhiều vướng mắc do liên quan đến các vấn đề về luật quốc tế. Do đó, Việt Nam rất cần sự giúp đỡ của các quốc gia trong xử lý các đối tượng xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ", ông Nguyễn Quang Dũng nêu.
Chia sẻ từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong bảo vệ sở hữu trí tuệ, Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper cho biết: Hiện nay, Quyền Sở hữu trí tuệ là một trong những quyền đang rất được quan tâm đem lại lợi ích trong trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên với sự phức tạp trên không gian mạng, quyền sở hữu trí tuệ rất dễ bị xâm phạm.
“Việc xâm phạm Quyền Sở hữu trí tuệ không chỉ gây nhiều thiệt hại trọng về kinh tế, tinh thần đến chủ sở hữu mà còn tác động tiêu cực đến người dùng. Tất cả đòi hỏi các quốc gia đều cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa bởi bảo vệ Quyền Sở hữu trí tuệ cũng chính là bảo vệ sự phát triển kinh tế của quốc gia.” - Đại sứ đưa ra ý kiến.
Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng
Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn về "Thực thi Quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng" diễn ra cuối tháng 9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Đoàn Văn Việt cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng như tạo ra các phương thức sáng tạo mới, các hình thức khai thác, sử dụng, phân phối, truyền đạt mới...
Đồng thời, môi trường mạng cũng đặt ra các thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan. Đặc biệt, hiện nay hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, đã và đang trở thành thách thức lớn trong xác định và xử lý hành vi vi phạm bản quyền.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt chia sẻ, ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ". Trong đó, có nhiều nội dung mới sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan; bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng. Với tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế của Việt Nam, từ ngày 1/1/2023, "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ" sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Thứ trưởng cũng cho biết, với tinh thần trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng. Đó là, "Hiệp ước về quyền tác giả" (WCT) và "Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm" (WPPT). Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/2/2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1/7/2022. Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Song song đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo "Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan". Dự kiến Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 11/2022.
Về cơ bản, Việt Nam đã có được hệ thống các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Đồng thời với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Hoạt động tự bảo vệ quyền đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã và đang thực hiện nghĩa vụ xin phép, thanh toán tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
Cũng theo thông tin từ Bộ VH,TT&DL, các cam kết tại các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền lợi của công dân và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, để có thể thực thi bảo hộ có hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng, đại diện Bộ VH,TT&DL khẳng định: Cần có sự chung tay hợp tác của các chủ thể quyền, các cơ quan ban ngành và đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong phát hiện và xử lý vi phạm và thúc đẩy khai thác hợp pháp.
“Làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ góp phần khuyến khích sáng tạo, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước"- Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.