Lưu giữ ký ức Hà Nội
Được khởi xướng bởi 4 kiến trúc sư, Urban Sketchers Hanoi được lập ra nhằm vẽ lại những hình ảnh về cuộc sống, về công trình kiến trúc, những di tích lịch sử của Hà Nội, Việt Nam. Chị Trần Thị Thanh Thủy, trưởng nhóm cho biết, chứng kiến những công trình gắn bó với dòng chảy văn hóa, lịch sử và bao thế hệ người Việt Nam đang dần bị mai một, quên lãng trước quá trình đô thị hóa, chúng tôi muốn lưu giữ chúng qua những nét vẽ của mình.
“Chúng tôi chọn vẽ ký họa bởi cái hay của ký họa là ghi chép bằng hình ảnh, nhưng với mỗi người lại có cách truyền tải trên trang giấy khác nhau. Có người chỉ thích ký họa bằng chì, bằng dạ, có người chỉ mê đen trắng nhưng cũng có người thích phố phải hiện lên với đủ màu sắc, dáng vẻ tạo nên sự đa dạng, phong phú trong mỗi bức tranh”, chị Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ.
Dấu chân của nhóm đã lưu lại khắp phố phường Thủ đô với địa chỉ văn hóa, kiến trúc như Hàng Quạt, đình Kim Ngân, phố Hàng Mã, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, bốt Hàng Đậu, Trường đại học Dược Hà Nội, hay những ngõ ngách, những tòa nhà cổ hoặc khu tập thể xuống cấp…
Hà Nội hiện lên trang vẽ của những thành viên Urban Sketcher Hanoi với những nét đẹp bình dị, những góc nhỏ dưới ánh đèn vàng và mưa bụi, những mái ngói rong rêu nứt vỡ cố oằn mình tồn tại, những khung cửa bạc phếch với ban công rỉ sét màu thời gian, những mái bạt, cột điện cũ ngả nghiêng chen chân ôm lấy nhau đứng cho vững trong đô thị, nơi mà đang thay đổi từng ngày với quá trình đô thị hóa, bê tông hóa khốc liệt… “Hồn cốt” Hà Nội cứ thế, cứ thế chảy tràn qua những bức vẽ của các thành viên nhóm ký họa, để rồi, bất cứ ai đi ngang qua, ngắm nhìn những bức tranh ấy đều không khỏi trầm trồ, thì ra Hà Nội của ta đẹp đến thế
Truyền cảm hứng cho tình yêu Hà Nội
Ban đầu nhóm chỉ gồm thành viên là những kiến trúc sư nhưng sau mỗi buổi vẽ lại có thêm người xin gia nhập nhóm. Sau 3 năm hoạt động, đến nay nhóm đã có trên 4.000 thành viên tham gia với mọi thành phần và lứa tuổi trong xã hội. Nhiều người đến với nhóm khi chưa từng cầm cây cọ vẽ, chưa biết đến bố cục một bức tranh, nhưng nhờ sự chỉ dạy của các thành viên khác trong nhóm mà mỗi người đã có sự trưởng thành của riêng mình. Hiện thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm là 4 tuổi, lớn tuổi nhất là 70 tuổi, trong đó có không ít các bạn nước ngoài đang làm việc hay đi công tác, du lịch tại Việt Nam.
Chị Trần Thị Thanh Thủy cho biết, thành viên tham gia nhóm tăng lên sau mỗi buổi đi vẽ. Trong nhóm ký họa cũng có những thành viên rất đặc biệt, tạo cho chị những ấn tượng không thể nào quên. Đó là em Trần Nam Long, bị điếc bẩm sinh, bố mất sớm, mẹ đi làm giúp việc nhưng cuối tuần nào cũng đưa Long đến tham gia cùng các thành viên của nhóm. Ban đầu Long không biết vẽ, nhưng được hướng dẫn, cậu tiến bộ rất nhanh, vẽ rất đẹp. Vẽ gần như trở thành đam mê của cậu bé. Đó là hai mẹ con một bạn nhỏ 7 tuổi sống tại Hưng Yên nhưng cuối tuần nào cũng bắt xe buýt lên Hà Nội để tham gia cùng với nhóm… Tất cả mọi người đều đến với Urban Sketcher Hanoi bằng một tình yêu Hà Nội rất đỗi bình dị mà sâu sắc.
Chị Trần Thị Thanh Thủy cho biết, sắp tới nhóm sẽ ra mắt cuốn sách “Phố cổ Hà Nội”, là kết quả thực hiện trong 3 năm của nhóm. Điểm nhấn của cuốn sách này là được dịch song ngữ, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Cùng với đó, nhân dịp 65 năm ngày Giải phóng Thủ Đô 10/10/2019, nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội đã được UBND Quận Hoàn Kiếm cho phép đăng cai tổ chức sự kiện “Hành trình Ký họa Châu Á”. Dự kiến, sự kiện sẽ có sự tham gia của khoảng 500 thành viên bao gồm kiến trúc sư, họa sỹ, những nghệ sỹ ký họa chuyên và không chuyên đến từ 25 quốc gia trên Thế giới…
Với những nỗ lực và hành động thiết thực của mình, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội được ghi nhận và nằm trong danh sách 10 đề cử chính thức của Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 12 năm 2019 do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức.
“Đây là niềm vui và sự vinh dự của nhóm, đây chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi tiếp tục hành trình của mình vì những việc chúng tôi làm đã được mọi người ghi nhận”, chị Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ.